HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CẢI CÁCH TTHC BAN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN KTTN Số: 12 /Ban IV V/v: Báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tháng 03/2021 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2021 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện nhiệm vụ được giao về tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân định kỳ hàng tháng và đề xuất sáng kiến, giải pháp cụ thể, đảm bảo căn cứ, khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh1, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) xin báo cáo Thủ tướng các vấn đề tổng hợp từ cộng đồng doanh nghiệp trong tháng 03/2021 với một số nội dung lớn, nổi cộm được nêu như sau:
Thứ nhất, một số phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ từ cuối năm 2020 tới nay, dù Thủ tướng Chính phủ đã giao các các Bộ, ngành, địa phương tiếp nhận, xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo lại Thủ tướng trong tháng 03/2021, tuy nhiên, quá trình xử lý này dường như còn chậm, hoặc các biện pháp, giải pháp, hồi đáp do các Bộ, địa phương đưa ra chưa tháo gỡ được bất cập, vướng mắc cốt lõi của doanh nghiệp. Do đó trong tháng 03/2021, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi nhiều phản ánh về các vấn đề đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật trong số đó vẫn là các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ban IV xin đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường đối thoại với các nhóm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan nhằm giải quyết thấu đáo, triệt để vấn đề cho doanh nghiệp.
Thứ hai, liên quan đến câu chuyện ứng xử của một số cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong nỗ lực khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đây là những chủ trương lớn Chính phủ đưa ra và liên tục có các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến trong thực tế lại đang có những câu chuyện khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là “còn khoảng cách lớn giữa chủ trương với thực thi”, tập trung vào hai nhóm vấn đề cơ bản
- Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp: việc có nhiều đầu mối cơ quan quản lý nhà nước phụ trách các vấn đề của doanh nghiệp, bao gồm cả cơ quan quản lý chung tới các cơ quan quản lý chuyên ngành, mà lại chưa phát huy cơ chế “một cửa” thực sự để doanh nghiệp tham vấn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp rất lúng túng mỗi khi liên hệ với các cơ quan nhà nước, nhất là các vấn đề liên ngành. Một số cách thức xử sự hiện nay của các cơ quan quản lý chưa nhận được sự đồng tình từ phía doanh nghiệp là: (i) khi doanh nghiệp hỏi về quy định pháp lý (bất kỳ), cơ quan quản lý nhà nước thường gửi cho doanh nghiệp toàn văn các văn bản pháp lý liên quan (để doanh nghiệp tự nghiên cứu), hoặc đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau trong nhiều lần làm việc thay vì hướng dẫn một lần, trọng tâm vào vấn đề cụ thể để giúp doanh nghiệp nắm bắt, khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh rất khó khăn trong việc tìm hiểu, tuân thủ các quy định của pháp luật; (ii) khi doanh nghiệp cần giải quyết một số quy trình, thủ tục có tính liên ngành, quá trình tương tác giữa các Bộ liên quan thường ít có sự chia sẻ, gắn kết thông tin chủ động mà để doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với từng Bộ, còn ở tại cấp địa phương, dù nhiều địa phương cũng đã thành lập các mô hình liên ngành giao một sở, ngành nào đó làm đầu mối chính nhưng doanh nghiệp vẫn được chỉ dẫn để làm việc, tương tác trực tiếp với nhiều cơ quan liên quan thay vì chỉ tương tác với cơ quan đầu mối, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian công sức và chịu áp lực, khó khăn không nhỏ trong suốt quá trình này.
- Trong nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp để bắt kịp các cơ hội phát triển trên thế giới nhằm tạo ra những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế theo các chủ trương và lời kêu gọi từ Chính phủ, còn rất thiếu vắng các cơ chế, chính sách mới phù hợp và tạo đà cho phát triển nền kinh tế số, dẫn tới tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước có cách ứng xử chưa phù hợp, thường dùng khung khổ pháp lý hiện tại áp đặt với các mô hình kinh doanh mới, xử phạt các vấn đề phát sinh so với cách thức kinh doanh truyền thống, làm triệt tiêu sức sáng tạo và gây ảnh hưởng khá tiêu cực tới các doanh nghiệp.
Thứ ba, về vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên. Hiện nay, theo Nghị quyết 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 miễn phí trong năm 2021, bao gồm: lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ
yêu cầu phòng chống dịch. Đây chính xác là những nhóm đối tượng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, đề nghị Chính phủ xem xét các nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin gồm cả các chuyên gia người nước ngoài đang phụ trách hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các nước tại Việt Nam. Đây là nhóm đối tượng đặc thù, phải di chuyển nhiều, có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng bởi đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nên không thể tiêm phòng vắc xin theo chương trình của các quốc gia mà họ là công dân. Việc xem xét đưa nhóm đối tượng này vào danh sách ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 - có thể áp dụng cơ chế thu phí thay vì miễn phí - sẽ vừa có tác dụng phòng chống dịch lại vừa tạo sự khích lệ cho các hoạt động thúc đẩy, thu hút đầu tư, thương mại tại Việt Nam.
Các phản ánh kiến nghị chi tiết liên quan tới nội dung thứ nhất, thứ hai nêu trên, Ban IV xin được báo cáo trong phụ lục đính kèm công văn.
Rất mong sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trân trọng./.
Nơi nhận: - Như kính gửi;
- VPCP: BTCN (để b/c); Vụ ĐMDN (để p/h);
- HĐTV CC TTHC: Ban Thư kí Hội đồng (Cục KSTTHC - để biết);
- Thành viên Ban IV;
- Lưu VP Ban.
| TM. BAN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN KTTN Phó Chủ tịch HĐTV cải cách TTHC Trưởng Ban (đã ký) Trương Gia Bình |