Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ

Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Cơ quan ban hành Chính phủ Số hiệu văn bản 122/2021/NĐ-CP
Thể loại Luật Người ký Lê Minh Khái
Lĩnh vực Đấu thầu Ngày ban hành 30/12/2021

CHÍNH PHỦ

_____

Số: 122/2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021
NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

________________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là hành vi vi phạm pháp luật có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện mà không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự và được quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP));
b) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu;
c) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp;
d) Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch.
3. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với:
a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
b) Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này;
c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này gồm:
a) Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác;
b) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp và theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của doanh nghiệp thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là doanh nghiệp đó; mức phạt áp dụng đối với tổ chức.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền và không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của doanh nghiệp thì người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với cá nhân về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện;

c) Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam;
d) Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
đ) Các tổ chức khác có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Điều 3. Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính gồm:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều từ Chương II đến Chương V Nghị định này.

Điều 4. Mức phạt tiền

1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;
b) Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;
c) Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;
d) Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.

Điều 5. Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7; Điều 9; Điều 10; Điều 13; Điều 14; khoản 2 Điều 15; khoản 3 Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 30; Điều 36; Điều 37; Điều 43; Điều 44; Điều 45; Điều 46; Điều 47; Điều 48; Điều 49; Điều 50; Điều 51; Điều 52; Điều 53; Điều 54; Điều 55; Điều 56; Điều 57; Điều 58; Điều 59; Điều 60; Điều 61; Điều 62; Điều 63; Điều 64; Điều 65; Điều 66; Điều 67; Điều 68, Điều 69; Điều 70; Điều 71 và Điều 72 của Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.
Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

3. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này (trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 12 và Điều 25) là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.
Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Chương II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÔNG, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 6. Vi phạm về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư khi chương trình, dự án trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư;
b) Không tuân thủ trình tự lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Không tuân thủ trình tự, thủ tục và điều kiện điều chỉnh chương trình, dự án.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng đơn giá, định mức theo quy định;
b) Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
d) Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hoàn trả các khoản chi phí bị tăng thêm khi đã thanh toán, quyết toán chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng đơn giá, định mức đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc điều chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc điều chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 7. Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động đầu tư công

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chương trình, dự án không đầy đủ, không chính xác.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gửi báo cáo hoặc bổ sung đầy đủ, chính xác tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc cung cấp thông tin, tài liệu hoặc bổ sung đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến chương trình, dự án đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 8. Vi phạm về thiết kế chương trình, dự án đầu tư công

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thiết kế chương trình, dự án không theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức và giải pháp kỹ thuật không bảo đảm chất lượng;
b) Thiết kế vượt quá quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc điều chỉnh thiết kế theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức và giải pháp kỹ thuật bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc hoàn trả các chi phí thiết kế vượt quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 9. Vi phạm về theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
1. Lập báo cáo theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án không trung thực, không khách quan.
2. Không tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án.
3. Không tổ chức thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc theo quy định; không đánh giá tác động và đánh giá đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 10. Vi phạm về báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Không cập nhật Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư lên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định;
b) Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không trung thực, không chính xác.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc cập nhật Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư lên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 11. Vi phạm về sử dụng vốn đầu tư công

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định.
2. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả lại số vốn đã sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 12. Vi phạm trong lĩnh vực đầu tư sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng

Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng về khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình, quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Điều 13. Vi phạm về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Triển khai chương trình, dự án không đúng các nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án, quyết định chủ trương thực hiện, quyết định phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;
b) Thực hiện chương trình, dự án chậm tiến độ không vì lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng.

Điều 14. Vi phạm về chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gửi cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác về chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc lập báo cáo gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc cung cấp thông tin, tài liệu chính xác về chương trình, dự án đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 15. Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định;
b) Báo cáo không trung thực, không chính xác về hoạt động đầu tư;
c) Không gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC;
d) Không gửi thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư;
đ) Không thông báo hoặc không gửi quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động dự án đầu tư đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư trong trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
d) Buộc gửi thông báo hoặc quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 16. Vi phạm về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định;
b) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2020 nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện theo quy định.
3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 17. Vi phạm về việc cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC), chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thành lập Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt Văn phòng điều hành.
2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập hồ sơ dự án đầu tư không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư;
b) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
c) Không thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư đối với các trường hợp phải điều chỉnh theo quy định pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện thủ tục đăng ký thành lập Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 18. Vi phạm về ưu đãi đầu tư

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không chính xác, không trung thực các thông tin cần thiết để được hưởng ưu đãi đầu tư.
Trường hợp vi phạm để hưởng ưu đãi đầu tư về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách thì bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và pháp luật có liên quan.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do được hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19. Vi phạm về thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện ký quỹ hoặc không có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật quy định khác;
b) Thực hiện thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư không đúng thời gian quy định;
c) Tăng vốn đầu tư của dự án mà không nộp bổ sung số tiền ký quỹ hoặc bổ sung bảo lãnh ký quỹ của tổ chức tín dụng khi có yêu cầu bổ sung bằng văn bản từ cơ quan quản lý đầu tư;
d) Kê khai, lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được giảm chi phí bảo đảm thực hiện dự án.
2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện theo đúng nội dung tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
b) Không thực hiện thủ tục thanh lý dự án đầu tư và các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Ngừng hoạt động của dự án đầu tư với tổng thời gian quá 12 tháng.
3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thực hiện dự án trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư;
b) Không ngừng hoạt động sau khi cấp có thẩm quyền quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp bổ sung mức bảo đảm thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do việc kê khai lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Buộc thực hiện thủ tục thanh lý dự án đầu tư và các nghĩa vụ tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
d) Buộc tiếp tục thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
đ) Buộc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Mục 3. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ KINH DOANH TỪ VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 20. Vi phạm chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định;
b) Không cập nhật hoặc cập nhật thông tin không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn quy định lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
c) Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
d) Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoặc bổ sung nội dung, tài liệu vào báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc cập nhật thông tin hoặc cập nhật bổ sung đầy đủ, chính xác thông tin lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 21. Vi phạm về thủ tục đầu tư ra nước ngoài

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư các nội dung thay đổi khi đã quá thời hạn 01 tháng kể từ thời điểm dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung thay đổi không thuộc diện phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
b) Dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư đó;
c) Nhà đầu tư Việt Nam dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của mình tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định;
d) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp pháp luật quy định phải điều chỉnh;
đ) Không thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp pháp luật quy định phải chấm dứt;
e) Nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài sau khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam trong trường hợp nhà đầu tư Việt Nam dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài.
3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư ra nước ngoài khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
4. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư ra nước ngoài các ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cập nhật các nội dung thay đổi của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
c) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) Buộc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;
đ) Buộc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
e) Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư ra nước ngoài và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư ra nước ngoài ngành, nghề cấm đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 22. Vi phạm về hoạt động đầu tư ra nước ngoài

1. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện đúng quy định về chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;

b) Không thực hiện đúng quy định về chuyển vốn, tài sản hợp pháp và toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư về Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác từ việc đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc chuyển vốn, tài sản hợp pháp và toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư về Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Mục 4. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP), HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 23. Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động đầu tư PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án PPP không đầy đủ, không chính xác;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP;
c) Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án PPP không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
d) Không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án PPP định kỳ theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác liên quan đến dự án PPP đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoặc bổ sung nội dung đầy đủ, chính xác tình hình hoạt động đầu tư theo phương thức PPP đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 24. Vi phạm đăng tải thông tin về dự án PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Chậm đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trên trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền so với thời hạn theo quy định pháp luật về PPP;
b) Đăng tải thông tin về dự án PPP không đầy đủ nội dung hoặc không đúng nội dung được phê duyệt.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng tải các thông tin về dự án PPP.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng tải thông tin về dự án PPP đầy đủ, đúng nội dung được duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng tải các thông tin về dự án PPP đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 25. Vi phạm đối với dự án PPP có cấu phần xây dựng

Các hành vi vi phạm liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình, quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán tiểu dự án có cấu phần xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Điều 26. Vi phạm về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tuân thủ trình tự, thủ tục lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định phê duyệt dự án PPP;
b) Không tuân thủ trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, dự án PPP;
c) Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi không thuộc một trong các trường hợp được điều chỉnh theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng đơn giá, định mức theo quy định;
b) Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hoàn trả các khoản chi phí bị tăng thêm khi đã thanh toán, quyết toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng đơn giá, định mức đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 27. Vi phạm về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tuân thủ quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp quy định về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư, ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư;
c) Nội dung hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về PPP;
d) Không nêu hoặc nêu không đầy đủ hoặc không chính xác địa chỉ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu;
đ) Sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không thực hiện thông báo theo quy định;
e) Không tiếp nhận hoặc tiếp nhận, quản lý hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư không đúng quy định;
g) Không phát hành hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho nhà đầu tư theo đúng thời gian, địa điểm nêu trong thư mời thầu;
h) Không đóng, mở thầu theo đúng thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu, thư mời thầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đúng thẩm quyền;
b) Nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra cạnh tranh không bình đẳng;
c) Không đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự đàm phán, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư theo yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu;
d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đầy đủ nội dung, không chính xác, không đúng thẩm quyền;
đ) Không thực hiện hoặc thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP không đúng quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu nhưng không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 28. Vi phạm khác về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ, tài liệu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư;
b) Không thực hiện đúng quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà đầu tư không đúng thời hạn quy định;
b) Thành lập Tổ chuyên gia không đủ thành phần theo tính chất, mức độ phức tạp của dự án và không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định;
c) Cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 29. Vi phạm về hợp đồng dự án, doanh nghiệp dự án PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lập hợp đồng dự án PPP có nội dung không đầy đủ theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thành lập doanh nghiệp dự án PPP theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, có mục đích duy nhất là để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP;
b) Phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật.

Điều 30. Vi phạm về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực PPP

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác các thông tin cần thiết để được hưởng ưu đãi đầu tư.
Trường hợp vi phạm để hưởng ưu đãi đầu tư về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách thì bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và pháp luật có liên quan.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do được hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 31. Vi phạm về thực hiện dự án PPP

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư để áp dụng thống nhất theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Chuyển giao công trình dự án không đáp ứng điều kiện và thủ tục theo quy định;
b) Chậm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Triển khai thi công khi chưa ký hợp đồng;
b) Cho phép thu phí khi chưa xác nhận hoàn thành công trình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư để áp dụng thống nhất đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình trong trường hợp chưa quyết toán đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do việc thu phí khi chưa xác nhận hoàn thành công trình đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Chương III. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤU THẦU, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ THẦU, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 32. Vi phạm về kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đầy đủ nội dung hoặc không đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán khi đã đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán đó.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu và loại hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được phê duyệt trừ trường hợp chỉ định thầu đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
b) Phân chia dự án, dự toán thành các gói thầu không đáp ứng yêu cầu về tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu hoặc để tránh áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Điều 33. Vi phạm về lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định;
b) Không tổ chức thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu trước khi phê duyệt.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đúng thẩm quyền;
b) Nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra cạnh tranh không bình đẳng;
c) Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu;
d) Yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương giấy phép bán hàng đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt;
b) Phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Điều 34. Vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà thầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nêu, nêu không đầy đủ hoặc không chính xác địa chỉ phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu, thư mời thầu;
b) Sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không gửi quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi đến các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Không gửi thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hoặc thông báo không nêu rõ hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
d) Không tiếp nhận hoặc tiếp nhận, quản lý hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu;
đ) Không phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu theo đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng;
e) Hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu không đúng thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu khi việc sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đáp ứng thời gian quy định;
b) Không đóng, mở thầu theo đúng thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu;
c) Không gửi biên bản mở thầu cho nhà thầu tham gia dự thầu;
d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu không đầy đủ nội dung, không chính xác, không đúng thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tổ chức thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với trường hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
b) Không tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi phê duyệt;
c) Không tiến hành làm rõ, yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu nhưng không làm thay đổi kết quả đánh giá đối với nhà thầu;
d) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, quy định pháp luật về đấu thầu nhưng không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.
4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Không tiến hành làm rõ, yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu dẫn đến làm thay đổi kết quả đánh giá đối với nhà thầu;
c) Cho phép nhà thầu làm rõ, bổ sung nội dung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đúng quy định làm thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất dẫn đến làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

Điều 35. Vi phạm về thương thảo hợp đồng, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tiến hành thương thảo hợp đồng hoặc thương thảo hợp đồng không bảo đảm nguyên tắc hoặc nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Không gửi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu;
c) Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu không đầy đủ hoặc không đúng nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không yêu cầu nhà thầu trúng thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định hoặc có bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng không đúng quy định;
b) Không thực hiện tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng khi nhà thầu thuộc trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Ký hợp đồng trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Triển khai thực hiện gói thầu trước khi ký hợp đồng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc yêu cầu nhà thầu trúng thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 36. Vi phạm về đăng tải thông tin trong đấu thầu

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về thời hạn trong việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thuộc hồ sơ mời thầu;
b) Đăng tải hồ sơ mời thầu không thống nhất với nội dung đã được phê duyệt.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp, đăng tải các thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 37. Vi phạm các điều cấm trong đấu thầu

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
1. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
2. Thông thầu.
3. Gian lận trong đấu thầu.
4. Cản trở hoạt động đấu thầu.
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
7. Chuyển nhượng thầu trái phép.

Điều 38. Vi phạm khác về đấu thầu

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ, tài liệu trong quá trình lựa chọn nhà thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu;
b) Không tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu;
c) Không báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu định kỳ theo quy định pháp luật về đấu thầu;
d) Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không đúng thời hạn thông tin, hồ sơ, tài liệu về công tác đấu thầu để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Cá nhân tham gia Tổ chuyên gia hoặc tổ chức thẩm định các nội dung trong đấu thầu nhưng không có bản cam kết theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Không tổ chức đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu đủ điều kiện tổ chức đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tổ chức đào tạo đấu thầu cơ bản không đảm bảo nội dung chương trình và thời lượng đào tạo theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Khai thác, sử dụng các thông tin về đấu thầu và các tài liệu kèm theo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dưới bất kỳ hình thức và phương tiện nào khi chưa được sự cho phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trừ trường hợp thông tin thuộc danh mục cơ sở dữ liệu mở theo quy định.

Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ SỬ DỤNG ĐẤT, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 39. Vi phạm về lập, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất không đáp ứng điều kiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 40. Vi phạm về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi chưa đủ các điều kiện theo quy định;
b) Không lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
c) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đúng thẩm quyền;
d) Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp quy định về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư, ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ;
đ) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được phê duyệt.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra cạnh tranh không bình đẳng.

Điều 41. Vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nêu hoặc nêu không đầy đủ hoặc không chính xác địa chỉ phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong thông báo mời thầu, thư mời thầu;
b) Sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không thực hiện thông báo theo quy định;
c) Không tiếp nhận hoặc tiếp nhận, quản lý hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư không đúng quy định;
d) Không phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho nhà đầu tư theo đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo mời thầu;
đ) Không đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư theo quy định;
e) Không thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đóng, mở thầu theo đúng thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu;
b) Không gửi biên bản mở thầu cho nhà đầu tư tham gia dự thầu;
c) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đầy đủ nội dung, không chính xác, không đúng thẩm quyền;
d) Trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Cho phép nhà đầu tư làm rõ đối với các nội dung về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm nhưng không làm thay đổi bản chất về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham dự thầu;
c) Không tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước khi phê duyệt;
d) Không tổ chức thẩm định danh sách ngắn, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
4. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lựa chọn nhà đầu tư khi chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định;
b) Chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Cho phép nhà đầu tư làm rõ đối với các nội dung về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm dẫn đến làm thay đổi bản chất về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham dự thầu.

Điều 42. Vi phạm về hợp đồng lựa chọn nhà đầu tư

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tiến hành đàm phán sơ bộ hợp đồng trong lựa chọn nhà đầu tư;
b) Ký hợp đồng có nội dung không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Ký hợp đồng trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Triển khai thi công trước khi ký hợp đồng.

Chương IV. VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 43. Vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Điều 44. Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa đăng ký thay đổi theo quy định;
b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 45. Vi phạm về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
b) Thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không đúng thời hạn quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;
b) Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Điều 48. Vi phạm về chế độ báo cáo và thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Báo cáo không đầy đủ nội dung, không chính xác theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gửi báo cáo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không báo cáo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc bổ sung nội dung đầy đủ, chính xác vào báo cáo gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 49. Vi phạm về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 01 ngày đến 10 ngày.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 11 ngày đến 30 ngày.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 31 ngày đến 90 ngày.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 91 ngày trở lên.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa thông báo thay đổi theo quy định;
b) Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 50. Vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế về việc cho thuê doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;

b) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có thay đổi thông tin về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là tổ chức, công ty;
c) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thông báo về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thông báo khi có thay đổi thông tin về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là tổ chức, công ty đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 51. Vi phạm về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam;
b) Không ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm đại diện hoặc ủy quyền bằng văn bản đã hết hạn nhưng không gia hạn khi người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp xuất cảnh khỏi Việt Nam;
c) Người đại diện theo ủy quyền không đủ tiêu chuẩn theo quy định;
d) Ủy quyền vượt quá số lượng người được ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc ủy quyền cho người khác làm đại diện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thay đổi người đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 52. Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Bổ nhiệm người không được quyền quản lý doanh nghiệp giữ các chức danh quản lý doanh nghiệp;
b) Bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc (Tổng Giám đốc).
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty;
b) Không lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông phát hành cổ phiếu;
c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
d) Không lưu giữ các tài liệu tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc miễn nhiệm chức danh quản lý của người không được quyền quản lý doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc miễn nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
d) Buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
đ) Buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 53. Vi phạm về Ban kiểm soát

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức Ban kiểm soát không đúng hoặc không đầy đủ thành phần theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thành lập Ban kiểm soát đối với trường hợp phải thành lập Ban kiểm soát;
b) Bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức lại Ban kiểm soát theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thành lập Ban kiểm soát theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
c) Buộc miễn nhiệm Trưởng ban Kiểm soát, Kiểm soát viên không đủ tiêu chuẩn và điều kiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 54. Vi phạm về thành lập, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp) hoặc chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh) thực hiện hoạt động kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;

b) Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh;
c) Chuyển trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đã đăng ký nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện chuyển đến.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 55. Vi phạm về công ty hợp danh

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty;
b) Thành viên hợp danh đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại);
c) Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn không nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung đủ thành viên hợp danh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 56. Vi phạm về doanh nghiệp tư nhân

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;
b) Không ghi chép đầy đủ việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư; toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán;
c) Không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký;
d) Thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;
đ) Mua doanh nghiệp tư nhân nhưng không đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 57. Vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Nghị quyết, Quyết định chia công ty đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;
b) Không đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có) đối với doanh nghiệp bị tách hoặc không đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp được tách;
c) Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Nghị quyết, Quyết định tách công ty đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;
d) Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Hợp đồng hợp nhất đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;
đ) Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Hợp đồng sáp nhập đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;
e) Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bị sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải gửi Nghị quyết, Quyết định chia công ty cho tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Nghị quyết, Quyết định, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc doanh nghiệp bị tách đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có) hoặc đăng ký doanh nghiệp được tách đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc gửi Nghị quyết, Quyết định tách công ty cho các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Nghị quyết, Quyết định, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc gửi Hợp đồng hợp nhất cho các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Hợp đồng hợp nhất, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
đ) Buộc gửi Hợp đồng sáp nhập cho các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Hợp đồng sáp nhập, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
e) Buộc gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bị sáp nhập đặt trụ sở chính trong trường hợp không gửi thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

Điều 58. Vi phạm về giải thể doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Không thực hiện thủ tục giải thể khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
c) Không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 59. Vi phạm đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
1. Mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ.
2. Cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Cùng góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc thành lập doanh nghiệp mới (đối với các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước).

Điều 60. Vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;
b) Sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ được huy động;
c) Không gửi cam kết, thông báo hoặc gửi cam kết, thông báo không đúng thời hạn tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có sự thay đổi nội dung, chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;
d) Không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung đủ vốn để tái đầu tư thực hiện mục tiêu đã đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc hoàn trả các khoản tài trợ được sử dụng không đúng mục đích đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc gửi cam kết, thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định trong trường hợp không gửi cam kết, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc thực hiện mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 61. Vi phạm về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin theo quy định;
b) Có nhiều hơn 01 người đại diện theo pháp luật nhưng không thông báo với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hoặc không công khai trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;
c) Thực hiện công bố thông tin qua người được ủy quyền công bố thông tin nhưng không gửi thông báo ủy quyền tới cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
d) Tạm hoãn công bố thông tin nhưng không báo cáo lý do của việc tạm hoãn hoặc không gửi thông báo đề nghị tạm hoãn công bố thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập trang thông tin điện tử của doanh nghiệp theo quy định;
b) Không xây dựng Quy chế công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định;
c) Không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp các thông tin công bố định kỳ và bất thường theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện công bố thông tin trong trường hợp không công bố hoặc bổ sung, sửa đổi nội dung thông tin đã công bố đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc báo cáo, thông báo thông tin theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này;
c) Buộc lập trang thông tin điện tử của doanh nghiệp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
d) Buộc xây dựng Quy chế công bố thông tin theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
đ) Buộc công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 62. Vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
b) Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
c) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
d) Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;

b) Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp chưa đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 63. Vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
e) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
g) Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.

Điều 64. Vi phạm về đăng ký, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng ký theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện;
b) Đăng ký không đúng thời hạn theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 65. Vi phạm về hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tổ chức Đại hội thành viên thường niên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính;
b) Không lập sổ đăng ký thành viên sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc sổ đăng ký thành viên không đầy đủ nội dung theo quy định;
c) Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, không kịp, thời, không chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định;
d) Không lưu giữ các tài liệu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoạt động mang danh nghĩa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Kinh doanh ngành, nghề không được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Tiếp tục hoạt động trong thời gian hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã thông báo tạm ngừng hoạt động.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;

d) Kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật;
đ) Tiếp tục hoạt động khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc lập sổ đăng ký thành viên theo quy định hoặc bổ sung nội dung còn thiếu vào sổ đăng ký thành viên đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc cung cấp thông tin hoặc bổ sung thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc lưu trữ các tài liệu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
d) Buộc đăng ký thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 66. Vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động theo quy định;
b) Không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 67. Vi phạm về góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không huy động đủ số vốn đã đăng ký theo quy định của Điều lệ hoặc thời hạn góp đủ vốn vượt quá 06 tháng kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký;
b) Không duy trì mức vốn pháp định đối với hợp tác xã kinh doanh ngành, nghề phải có vốn pháp định;
c) Không cấp giấy chứng nhận góp vốn cho thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên;
d) Sử dụng các nguồn vốn thuộc tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp;
đ) Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp có tổng mức đầu tư vượt quá 50% vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất trước thời điểm thực hiện góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp;
e) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nơi đặt trụ sở chính sau khi góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi chưa được Đại hội thành viên quyết định, thông qua;
b) Cho phép một thành viên góp vốn lớn hơn 20% tổng số vốn góp của hợp tác xã hoặc một hợp tác xã thành viên góp vốn lớn hơn 30% tổng số vốn góp của liên hiệp hợp tác xã.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian lận trong việc định giá tài sản vốn góp.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung đủ số vốn như đã đăng ký trong trường hợp không huy động đủ số vốn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc cấp Giấy chứng nhận góp vốn cho thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc hoàn trả các nguồn vốn thuộc tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
d) Buộc điều chỉnh tổng mức đầu tư của việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
đ) Buộc thông báo với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
e) Buộc điều chỉnh lại tỷ lệ vốn góp phù hợp với quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 68. Vi phạm về chia, tách, sáp nhập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quyết định chia, tách và giải quyết các vấn đề có liên quan trước khi tiến hành thủ tục thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới;
b) Không thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quyết định hợp nhất, phương án hợp nhất;
c) Không thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quyết định sáp nhập.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 69. Vi phạm về hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh không phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh không mang tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký không trung thực, không chính xác những thay đổi nội dung đăng ký của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc điều chỉnh tên chi nhánh, văn phòng đại diện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Chương V. VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUY HOẠCH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 70. Vi phạm về chế độ báo cáo và cung cấp thông tin quy hoạch

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin quy hoạch không đúng hình thức theo quy định;
b) Đăng tải thông tin về quy hoạch không đúng quy định;
c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt nhưng không cập nhật thông tin và cơ sở dữ liệu về hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo không trung thực, không chính xác tình hình thực hiện quy hoạch;
b) Không cung cấp thông tin quy hoạch theo quy định;
c) Không lưu trữ hồ sơ quy hoạch hoặc lưu trữ hồ sơ quy hoạch không đầy đủ theo quy định.
3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch;
b) Hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu liên quan đến quy hoạch;
c) Cản trở việc tham gia ý kiến về hoạt động quy hoạch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cập nhật thông tin và cơ sở dữ liệu về hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng trong trường hợp không cập nhật thông tin và cơ sở dữ liệu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc lưu trữ hoặc bổ sung đầy đủ hồ sơ lưu trữ quy hoạch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
d) Buộc đính chính thông tin về quy hoạch đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 71. Vi phạm về lập, điều chỉnh quy hoạch

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi điều chỉnh quy hoạch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kéo dài thời gian lập quy hoạch so với quy định.
3 Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền theo quy định.

Điều 72. Vi phạm về thực hiện quy hoạch

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi lập kế hoạch thực hiện quy hoạch không đúng nội dung quy hoạch.
2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc lập lại kế hoạch thực hiện đúng nội dung quy hoạch đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương VI. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 73. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.
2. Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 350.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
4. Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Điều 74. Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Điều 75. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thuế

1. Công chức Thuế đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.
2. Đội trưởng Đội Thuế có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.
3. Chi cục trưởng Chi cục Thuế có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
4. Cục trưởng Cục Thuế có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 140.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
5. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Điều 76. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan Quản lý thị trường

1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.
2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư;
c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Điều 77. Phân định thẩm quyền xử phạt

1. Những người có thẩm quyền của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 73 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 74 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Những người có thẩm quyền của cơ quan Thuế có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 16; Điều 18; khoản 2 Điều 22; Điều 30; Điều 43; khoản 4 Điều 46; điểm a khoản 2 Điều 48; điểm a khoản 1 Điều 50; điểm a khoản 1 Điều 54; Điều 56; Điều 62; Điều 64; điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 65; Điều 66; khoản 3 Điều 67 và Điều 69 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 75 và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
4. Những người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 16; khoản 1 Điều 17; khoản 3 Điều 19; Điều 43; Điều 44; khoản 4 Điều 46; Điều 48; Điều 49; Điều 50; điểm c khoản 2 Điều 52; Điều 54; điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 56; điểm d khoản 1 Điều 60; Điều 62; Điều 63; Điều 64; điểm c và điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 65; Điều 66 và Điều 69 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 76 và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Điều 78. Xác định thẩm quyền xử phạt

Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75 và Điều 76 của Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 lần thẩm quyền phạt tiền tổ chức.

Điều 79. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75 và Điều 76 của Nghị định này.
2. Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quy định tại Nghị định này.
3. Công chức thuộc cơ quan thanh tra Kế hoạch và Đầu tư được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành độc lập hoặc theo đoàn thanh tra.
4. Công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về: đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)), đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp, quy hoạch.
5. Trong một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập ngay biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi đã được xác định là vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình.
Trường hợp vụ việc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì chuyển bản gốc biên bản vi phạm hành chính cùng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.

Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 80. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Điều 81. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.
2. Đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã được ban hành hoặc được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử lý.

Điều 82. Trách nhiệm thi hành Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Liên minh hợp tác xã Việt Nam;
- Các Hiệp hội: Nhà thầu xây dựng VN; Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 
Lê Minh Khái

 
Các văn bản cùng thể loại "Luật"
Số hiệu văn bản
Ngày ban hành
Trích yếu
Số hiệu văn bản:1A
Ngày ban hành:26/04/2024
Phụ lục 1A_Mẫu tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá E-HSĐXKT
Phụ lục 1A_Mẫu tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá E-HSĐXKT đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ
Số hiệu văn bản:291/QĐ-BXD
Ngày ban hành:09/03/2019
Quyết định 291/QĐ-BXD
Quyết định công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề
Số hiệu văn bản:1667/QĐ-BYT
Ngày ban hành:14/06/2024
Quyết định 1667/QĐ-BYT
Quyết định 1667/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 29 Luật Đấu thầu 22/2023/QH15
Số hiệu văn bản:31/2024/QH15
Ngày ban hành:18/01/2024
Luật đất đai 2024
Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013
Số hiệu văn bản:82/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành:10/07/2024
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Các văn bản cùng lĩnh vực "Đấu thầu"
Số hiệu văn bản
Ngày ban hành
Trích yếu
Số hiệu văn bản:15/2024/TT-BKHĐT
Ngày ban hành:30/09/2024
Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT
QUY ĐỊNH MẪU HỒ SƠ ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ, DỰ ÁN ĐẦU TƯ KINH DOANH; CUNG CẤP, ĐĂNG TẢI THÔNG TIN VỀ ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ, ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ TRÊN HỆ THỐNG MẠNG ĐẤU THẦU QUỐC GIA
Số hiệu văn bản:115/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành:16/09/2024
Nghị định số 115/2024/NĐ-CP
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất
Số hiệu văn bản:1A
Ngày ban hành:26/04/2024
Phụ lục 1A_Mẫu tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá E-HSĐXKT
Phụ lục 1A_Mẫu tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đánh giá E-HSĐXKT đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ
Số hiệu văn bản:35/2023/NĐ-CP
Ngày ban hành:20/06/2023
Nghị định 35/2023/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
Số hiệu văn bản:24/CT-TTg
Ngày ban hành:29/07/2024
Chỉ thị số 24/CT-TTg
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu
Các văn bản cùng cơ quan ban hành "Chính phủ"
Số hiệu văn bản
Ngày ban hành
Trích yếu
Số hiệu văn bản:115/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành:16/09/2024
Nghị định số 115/2024/NĐ-CP
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất
Số hiệu văn bản:50/2017/QĐ-TTg
Ngày ban hành:31/12/2017
Quyết định 50/2017/QĐ-TTg
Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị
Số hiệu văn bản:35/2023/NĐ-CP
Ngày ban hành:20/06/2023
Nghị định 35/2023/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
Số hiệu văn bản:73/2019/NĐ-CP
Ngày ban hành:05/09/2019
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Số hiệu văn bản:24/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành:27/02/2024
NGHỊ ĐỊNH Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Video Huong dan su dung dauthau.info

Tiện ích dành cho bạn

Dịch vụ tư vấn đấu thầu

Bạn đang cần tư vấn về văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đấu thầu? Sử dụng dịch vụ tư vấn đấu thầu của Hệ sinh thái đấu thầu (HSTĐT) để nhận được hỗ trợ tốt nhất.

Gửi yêu cầu tư vấn
Lời chào
Chào Bạn,
Bạn chưa đăng nhập, vui lòng đăng nhập để sử dụng hết các chức năng dành cho thành viên.

Bạn có thể sử dụng tài khoản ở DauThau.info để đăng nhập trên DauThau.Net và ngược lại!

Nếu Bạn chưa có tài khoản thành viên, hãy đăng ký.

Việc này chỉ mất 5 phút và hoàn toàn miễn phí! Tài khoản này của bạn có thể sử dụng chung ở tất cả hệ thống của chúng tôi, bao gồm DauThau.info và DauThau.Net

Tìm kiếm thông tin thầu
Click để tìm kiếm nâng cao
Thống kê
  • 8073 dự án đang đợi nhà thầu
  • 220 TBMT được đăng trong 24 giờ qua
  • 235 KHLCNT được đăng trong 24 giờ qua
  • 24044 TBMT được đăng trong tháng qua
  • 35930 KHLCNT được đăng trong tháng qua
Banner phai duoi - thi trac nghiem dau thau
tháng 10 năm 2024
13
Chủ nhật
tháng 9
11
năm Giáp Thìn
tháng Giáp Tuất
ngày Canh Tuất
giờ Bính Tý
Tiết Vũ Thủy
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5) , Thìn (7-9) , Tỵ (9-11) , Thân (15-17) , Dậu (17-19) , Hợi (21-23)

"Tôi chỉ biết một nghĩa vụ, và đó là yêu thương. "

Albert Camus

Sự kiện trong nước: Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, quê Hưng...

Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây