Gần 9.000 gói thầu đấu thầu qua mạng trong 7 tháng đầu năm 2018

Thứ sáu, 10 Tháng Tám 2018 11:12 SA
(MPI) – Ngày 08/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018. Đây là Diễn đàn cấp quốc gia về đấu thầu qua mạng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các bên nhìn lại quá trình triển khai đấu thầu qua mạng, chia sẻ bài học kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về lợi ích và ứng dụng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS), từ đó đề xuất ý kiến để hoàn thiện và cải tiến chính sách về quản lý, công nghệ và hoạt động của Hệ thống trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc. Ảnh: Đức Trung (MPI)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, các đối tác phát triển, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như đấu thầu, công nghệ, kinh doanh, cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Với nền tảng cốt lõi, là nơi diễn ra toàn bộ quy trình từ đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu, nhận hồ sơ dự thầu đến thông báo kết quả trúng thầu. VNEPS giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu. Tỷ lệ tiết kiệm đạt được trong đấu thầu qua mạng lên tới 9% khi các thao tác được thực hiện hoàn toàn qua mạng, đấu thầu qua mạng giúp các bên tham gia tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân sự thực hiện công tác đấu thầu. Đặc biệt, đấu thầu qua mạng có thể giảm thiểu các hành vi tiêu cực như gian lận, thông đồng hay cản trở xảy ra trong hoạt động đấu thầu, đồng thời giảm thời gian, công sức của nhà thầu, đem lại môi trường minh bạch cho đấu thầu, giảm thiểu những tiêu cực cũng như tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin, cũng như dịch vụ internet thì việc đấu thầu qua mạng là một xu thế tất yếu, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, tăng tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí trong công tác đấu thầu. Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua năm 2005 cũng đưa ra những điều khoản liên quan đến việc tổ chức thực hiện đấu thầu qua mạng. Đây là nền tảng cơ bản để chúng ta khởi sự, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, triển khai, áp dụng việc đưa công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý đấu thầu.

Năm 2016 với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025, theo đó, đến năm 2025, 100% các thông tin về đấu thầu phải được đăng tải công khai trên Hệ thống; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, cho đến nay tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng là khoảng 23.000 gói thầu, riêng 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 9.000 gói thầu đã được áp dụng đấu thầu qua mạng, chiếm 18% tổng số gói thầu đã triển khai trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này đạt cao so với năm 2017 là khoảng 11% và năm 2016 là khoảng 5% cho cả năm.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của đấu thầu qua mạng, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ 01/3/2018 với nhiều đột phá, trong đó mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng bao gồm cả gói đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị cao, áp dụng hình thức một giai đoạn hai túi hồ sơ và tối ưu hóa quy trình lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Adu-Gyamfi Abunyewa, Chuyên gia đấu thầu cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), một trong những đối tác phát triển đầu tiên tham gia đấu thầu qua mạng tại Việt Nam cho biết, năm 2016, WB yêu cầu tất cả các gói thầu quy mô nhỏ thí điểm đấu thầu trên Hệ thống, nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình triển khai đấu thầu qua mạng nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giúp quá trình mua sắm công của Việt Nam hiệu quả hơn.

Ông Adu-Gyamfi Abunyewa cho rằng, không có một quốc gia nào áp dụng hệ thống về đấu thầu mà hoàn hảo ngay từ đầu, mỗi quốc gia có một quy chế riêng, phải tùy chỉnh, phù hợp với quy định và môi trường pháp lý của mình. WB và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đang phối hợp để giúp Việt Nam xây dựng hoàn thiện Hệ thống.

Để vượt qua khó khăn khi thực hiện đấu thầu qua mạng, bà Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý đấu thầu - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN những ngày đầu vượt qua khó khăn bắt đầu từ việc nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện công tác đấu thầu thông qua việc tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo, tuyên truyền. Tiếp đó vận động một số đơn vị tham gia thực hiện. Trong 3 năm gần đây, EVN đưa ra tiêu chí chấm điểm cho người đứng đầu đơn vị trong việc tham gia thực hiện đấu thầu qua mạng. Ban đầu mới là chỉ tiêu khích lệ, nhưng từ năm 2017, đây trở thành chỉ tiêu bắt buộc.

Phiên thảo luận Đấu thầu qua mạng: Nhìn lại lộ trình phát triển. Ảnh: Đức Trung (MPI)
Phiên thảo luận Đấu thầu qua mạng: Nhìn lại lộ trình phát triển. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Nhìn lại lộ trình phát triển của đấu thầu qua mạng thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tuy số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt được là ấn tượng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, ví dụ như số gói thầu qua mạng của 7 tháng đầu năm 2018 mới đạt 18%, chưa đạt được lộ trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Về hệ thống cơ sở pháp lý về đấu thầu qua mạng cơ bản đã được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn tồn tại hai vấn đề khó khăn đó là kỹ thuật và nhận thức. Trong đó, nhận thức là quan trọng nhất. Theo báo cáo về công tác đấu thầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm thực hiện đấu thầu qua mạng trong số 119 cơ quan thực hiện công tác đấu thầu, có 41 cơ quan đơn vị chưa thực hiện một gói thầu nào qua mạng, do vậy phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng, góp phần làm thay đổi nhận thức về đấu thầu qua mạng.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu
bế mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng dựa trên 3 trụ cột: Thứ nhất là môi trường, khuôn khổ pháp lý, tạo ra “cuộc chơi”; Thứ hai là xây dựng công cụ để “chơi”; Thứ ba là mọi người trong môi trường đó nhận thức đầy đủ về cuộc chơi, công cụ “chơi”. Tuy nhiên, trở ngại cho vấn đề này là cần thay đổi nhận thức.

Trên thế giới các quốc gia phát triển đấu thầu qua mạng thường trải qua 3 giai đoạn: khởi đầu, phát triển và chín muồi. Hiện chúng ta đang có những gói thầu ở giai đoạn chín muồi nhưng cũng có những gói thầu đang ở giai đoạn khởi đầu. Về kế hoạch thực hiện chỉ tiêu 100% gói thầu đăng thông tin qua mạng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, điều này sẽ đạt được nhưng không chỉ dừng tại đó mà cần các thông tin sâu hơn về các gói thầu. Do vậy, các nhà thầu liệt kê hết các gói thầu, các hợp đồng thực hiện gói thầu trên Hệ thống, còn Chủ đầu tư sẽ vào Hệ thống để biết năng lực nhà thầu mà không phải yêu cầu một bộ hộ sơ năng lực. Điều này giúp tiết kiệm chi phí rất lớn và tránh hiện tượng khai man năng lực.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với WB và ADB để hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, xây dựng thêm một số tiện ích để tạo thuận lợi cho người dùng. Để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các gói thầu trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu sẽ nghiên cứu phương án để thông tin với các nhà thầu về nhóm các gói thầu mà họ quan tâm, thay vì họ phải truy cập để tìm đơn lẻ từng gói thầu được đăng tải trên Hệ thống./.

(Nguồn tin: http://www.mpi.gov.vn)

Video Huong dan su dung dauthau.info
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây