Giá trị đảm bảo dự thầu là bao nhiêu?

Thứ sáu, 04 Tháng Tám 2023 5:00 CH
Khi tham dự thầu các gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc chào hàng cạnh tranh đều phải thực hiện đảm bảo dự thầu cho gói thầu, vậy giá trị đảm bảo dự thầu là bao nhiêu? Nhà thầu cần lưu ý gì về đảm bảo dự thầu. Hãy cùng DauThau.info chia sẻ bài viết sau đây!
Quy định về bảo lãnh dự thầu của ngân hàng
Quy định về bảo lãnh dự thầu của ngân hàng

CLICK HERE to view in English

Quy định về đảm bảo dự thầu

Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. 
Ngoài ra Luật Đấu thầu 2023 còn bổ sung thêm hình thức bảo đảm dự thầu được chấp nhận nữa là "Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam".

Giá trị đảm bảo dự thầu là bao nhiêu?

Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Đấu thầu 2013 như sau:
  • Đối với lựa chọn nhà thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể;
  • Đối với lựa chọn nhà đầu tư, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư căn cứ vào quy mô và tính chất của từng dự án cụ thể.
Giá trị bảo đảm dự thầu theo Luật Đấu thầu 2023 (Luật sửa đổi) được quy định rõ hơn như sau:
  • Từ 1% đến 1,5% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng;
  • Từ 1,5% đến 3% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm trên;
  • Từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Lưu ý: Năm 2023 không còn khái niệm gói thầu quy mô nhỏ nữa nên không có quy định giá trị đảm bảo dự thầu gói thầu quy mô nhỏ.

Giá trị và đồng tiền đảm bảo dự thầu

Để thực hiện đảm bảo dự thầu nhà thầu, nhà đầu tư có thể thực hiện 1 trong 3 cách sau:
  • Đặt cọc;
  • Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
  • Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam. 
Đồng tiền đảm bảo dự thầu không được quy định trong Luật đấu thầu 2023 mà phụ thuộc vào quy định của từng gói thầu theo chỉ dẫn hồ sơ mời thầu, đối với đấu thầu trong nước thì đồng tiền được sử dụng là Việt Nam đồng.

Một số lưu ý về đảm bảo dự thầu

  • Gói thầu có giá trị đảm bảo dự thầu nhỏ hơn 20 triệu đồng hiện nay Hệ thống đấu thầu quốc gia cho phép các nhà thầu cam kết (tích trực tiếp cam kết trên webform) mà không cần phải thực hiện đính kèm bảo lãnh của ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Do đó nhà thầu không cần phải đề nghị ngân hàng phát hành thư bảo lãnh dự thầu.
  • Hiệu lực của đảm bảo dự thầu bao giờ cũng bằng hiệu lực của hồ sơ dự thầu công thêm 30 ngày.
  • Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng rẽ hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh, tổng giá trị bảo đảm dự thầu của các thành viên liên danh không thấp hơn giá trị đảm bảo dự thầu theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.

Đảm bảo dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp nào?

Đảm bảo dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp nào? Mời các bạn cùng theo dõi tiếp trong phần nội dung bên dưới.
tich thu bao lanh
Bảo lãnh dự thầu bị tịch thu
  • Nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
  • Nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Đấu thầu 2013;
  • Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 66 và Điều 72 Luật Đấu thầu 2013;
  • Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;
  • Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
Xem thêm: TOP 20 câu hỏi liên quan đến bảo đảm dự thầu nhà thầu cần biết Phần 1Phần 2
 

Bài viết trên DauThau.info đã chia sẻ các quy định về đảm bảo dự thầu, giá trị đảm bảo dự thầu và các trường hợp tịch thu bảo lãnh dự thầu. Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc các tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Banner giua trang VIP8 - "Săn" yêu cầu báo giá mua sắm công
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây