“Đọc vị” 5 chiêu thức nổi bật làm hạn chế đấu thầu qua mạng

Thứ hai, 15 Tháng Một 2024 8:15 SA
Trải qua một chặng đường khá dài, đấu thầu đã và đang trở thành một trong những hình thức phổ biến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Những lợi ích, hiệu quả của công tác đấu thầu đã được thể hiện rõ nét qua những minh chứng và số liệu thực tế. Tuy nhiên, dù đang trên đà phát triển nhưng đâu đó vẫn còn những chiêu thức vô hình làm hạn chế đấu thầu qua mạng. Cụ thể những chiêu thức đó là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây của DauThau.info.
“Đọc vị” 5 chiêu thức nổi bật làm hạn chế đấu thầu qua mạng

1. Bản vẽ bị “mờ”, biến đường “thẳng” thành đường nét “đứt”

Bản vẽ bị mờ, các đường trên bản vẽ bị đứt đoạn là một trong những thực trạng hiện nay khiến cho nhiều nhà thầu “kêu gào”. Đây là dữ liệu quan trọng và là cơ sở để nhà thầu tiến hành lập hồ sơ dự thầu. Điều đáng nói, khi phát hiện bản vẽ in bị mờ, nhà thầu có gửi văn bản lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia yêu cầu bên mời thầu bổ sung bản vẽ mới, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đáp lại đề nghị là phản hồi với muôn hình, vạn trạng. 

file bản vẽ bị mờ, không rõ nét
Hình 1. File bản vẽ bị “mờ” không rõ nét, đường thẳng thành đường nét đứt

“Đơn vị đã kiểm tra đủ số lượng bản vẽ đã được duyệt và kích thước, khổ giấy đọc vẫn rất rõ. Các đơn vị quan tâm có thể đến trực tiếp Bên mời thầu để photocopy” là một trong những phản hồi từ đại diện bên mời thầu khiến nhà thầu rất bức xúc tại “Gói thầu số 09: Thi công xây dựng + lắp đặt thiết bị công trình”.

2. “Cài mật khẩu” đối với file chỉ dẫn kỹ thuật

Mặc dù hồ sơ mời thầu được đăng tải công khai nhưng khi nhà thầu tải file chỉ dẫn kỹ thuật về máy và tiến hành giải nén để xem chi tiết thì… “bó tay” bởi muốn xem phải có mật khẩu. Một số nhà thầu phải thuê chuyên gia công nghệ thông tin để mở khóa, làm mất rất nhiều thời gian. Điều này đã trở thành rào cản lớn cho công tác đấu thầu qua mạng, khiến cho những lợi ích của hình thức này trở nên méo mó, không giống như những gì đã đặt ra đó là minh bạch, công bằng và hiệu quả. 

yêu cầu phải có mật khẩu để giải nén file chỉ dẫn kỹ thuật
Hình 2. Để giải nén file chỉ dẫn kỹ thuật phải có mật khẩu

3. Đưa ra yêu cầu “hạn chế” về mặt địa lý, giải thưởng

Tại gói thầu “Gói thầu số 11: Tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị”, hồ sơ mời thầu đưa ra yêu cầu “Đã thực hiện hoàn thành các dự án có quy mô tính chất tương tự tại khu vực miền Trung trong 07 năm gần đây (kể từ ngày 01/01/2016) đến thời điểm đóng thầu” hay “... Khảo sát địa hình hoặc tư vấn xây dựng lập bản đồ ngập lụt đô thị, lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn, sông Cu Đê trong 07 năm gần đây (kể từ ngày 01/01/2016) đến thời điểm đóng thầu”. 

Ngoài hạn chế về mặt địa lý, bên mời thầu còn đưa ra những tiêu chí về giải thưởng “Đã đạt các giải thưởng giám sát công trình dân dụng từ 01/01/2019 đến nay và đã được chủ đầu tư ký hợp đồng thực hiện”. Đây rõ ràng là những tiêu chí làm hạn chế năng lực của nhà thầu về mặt giải thưởng.

đưa ra tiêu chí làm hạn chế năng lực nhà thầu về mặt địa lý và giải thưởng
Hình 3. Đưa ra yêu cầu cụ thể về mặt địa lý và giải thưởng, làm hạn chế năng lực của nhà thầu

4. “Bẫy” thời gian trong hồ sơ mời thầu 

“Bẫy” thời gian trong hồ sơ mời thầu là một trong số những tình trạng thường gặp khi tham gia đấu thầu qua mạng, điều này đã dấy lên sự hoang mang về tính cạnh tranh, công bằng đối với lĩnh vực đấu thầu. 

Đơn cử gói thầu “Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị PCCC tại các tòa nhà chung cư” được công bố vào ngày 30/10/2023, yêu cầu thực hiện dưới 90 ngày và phải hoàn thành trong năm 2023. Nếu tính từ thời điểm công bố thông báo mời thầu cho đến ngày 31/12/2023 chỉ còn hơn 62 ngày thực hiện, chưa bao gồm thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu của bên mời thầu. Trong khi đó, khối lượng công việc rất nhiều (bảo dưỡng phòng cháy chữa cháy cho khoảng 90 tòa nhà). 

yêu cầu thực hiện gói thầu trong vòng 90 ngày
Hình 4. Yêu cầu thực hiện hợp đồng dưới 90 ngày nhưng đảm bảo hoàn thành trong năm 2023

Với thời gian rút ngắn, khối lượng công việc nhiều khiến cho nhiều nhà thầu “dè chừng” không dám nộp hồ sơ dự thầu. Đây được coi là một trong những tiêu chí làm hạn chế năng lực của nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu qua mạng. 

5. “Xem nhẹ” hoặc “phớt lờ” kiến nghị làm rõ hồ sơ mời thầu

Một trong những vấn nạn tiếp diễn trong nhiều năm qua là việc trả lời kiến nghị của nhà thầu khi tổ chức đấu thầu qua mạng bị xem nhẹ. 

Có 2 lý do dẫn đến tình trạng này, cụ thể:

  • Thứ nhất, vì chưa quen đấu thầu qua mạng nên chủ đầu tư/bên mời thầu đăng tải hồ sơ mời thầu nhưng đến ngày mở thầu mới ngó đến, dẫn đến tình trạng kiến nghị làm rõ hồ sơ mời thầu của nhà thầu bị bỏ sót.

  • Thứ hai, bên mời thầu coi nhẹ, không trả lời đúng một số kiến nghị liên quan đến quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, dẫn đến lợi ích hợp pháp của nhà thầu bị ảnh hưởng. 

Hình 5 Kiến nghị của nhà thầu không được xử lý, bị phớt lờ
Hình 5. Kiến nghị của nhà thầu không được xử lý, bị phớt lờ

Mặc dù, trong những năm qua đấu thầu qua mạng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, nhưng song song với đó vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề, đặc biệt làm hạn chế năng lực của nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Do đó, để các cuộc đấu thầu qua mạng đi đến thành công, bên mời thầu/chủ đầu tư cần quyết tâm đưa công tác đấu thầu đi đúng tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch để đạt được kết quả cao nhất!

Đừng quên theo dõi chuyên mục tin tức Luật Đấu thầu 2023 trên DauThau.info để cập nhật những thông tin mới nhất! 

Trong trường hợp cần hỗ trợ, hãy liên hệ với DauThau.info theo các kênh sau đây:

Tác giả: Hồ Thị Linh

 Tags: đấu thầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

AI Tư Vấn Đấu Thầu
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây