Gỡ rối trong chứng minh năng lực sản xuất khi đấu thầu mua sắm hàng hóa

Thứ tư, 01 Tháng Hai 2023 9:34 SA
Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ra đời đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất được trực tiếp tham dự thầu bằng việc chứng minh năng lực sản xuất trong phần năng lực kinh nghiệm mà không phải thực hiện chứng minh năng lực kinh nghiệm thông qua hợp đồng tương tự (thường là các nhà thầu thương mại). Đây là đổi mới mang tính căn bản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trực tiếp tham gia cung cấp hàng hóa đến khách hàng, giúp giảm giá thành khi phải thông qua các khâu trung gian. Tuy nhiên, việc khai báo và chứng minh năng lực sản xuất như thế nào để phù hợp với yêu cầu là điều khiến nhiều nhà thầu lúng túng. Bài viết hôm nay DauThau.info sẽ chia sẻ chi tiết về vấn đề này cho các nhà thầu.
Hình ảnh minh họa bài viết
Hình ảnh minh họa bài viết

Năng lực kinh nghiệm trong đấu thầu quan trọng như thế nào?

Trong đấu thầu chúng ta thường được nhắc đi nhắc lại cụm từ năng lực kinh nghiệm, vậy tại sao năng lực kinh nghiệm lại quan trọng và thường xuyên được nhắc đến. Thực tế đối với tất cả các cuộc đấu thầu, bước đánh giá quan trọng nhất đối với một nhà thầu thông qua hồ sơ dự thầu đó là đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà thầu đó. Việc đánh giá năng lực kinh nghiệm được thực hiện thông qua các tiêu chí đánh giá và chỉ dẫn trong hồ sơ mời thầu do bên mời thầu phát hành. Nhà thầu chỉ được đánh giá tiếp (đạt ở các bước tiếp theo) và trúng thầu chỉ khi đánh giá năng lực kinh nghiệm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn của hồ sơ mời thầu.

Đánh giá năng lực kinh nghiệm gồm những nội dung gì?

Lâu nay đánh giá năng lực kinh nghiệm sẽ được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí sau:
  • Lịch sử không hoàn thành hợp đồng trong 1 khoảng thời gian nhất định gần đây so với thời điểm đóng thầu.
  • Đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu.
  • Kết quả hoạt động tài chính đảm bảo giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương.
  • Doanh thu bình quân hàng năm trong số năm yêu cầu (thường 3-5 năm) phải đáp ứng số tối thiểu theo yêu cầu. Cách tính toán thông thường về mức yêu cầu doanh thu bình quân hằng năm (không bao gồm thuế VAT):
    + Trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng từ 12 tháng trở lên thì cách tính doanh thu như sau: Yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu bình quân hằng năm(không bao gồm thuế VAT) = [(Giá gói thầu – giá trị thuế VAT)/thời gian thực hiện hợp đồng theo năm] x k. Thông thường yêu cầu hệ số k trong công thức này là từ 1,5 đến 2.
    + Trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng dưới 12 tháng thì cách tính doanh thu như sau: Yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu bình quân hằng năm(không bao gồm thuế VAT)= (Giá gói thầu – giá trị thuế VAT) x k. Thông thường yêu cầu hệ số “k” trong công thức này là 1,5. 
  • Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự trong số năm yêu cầu (thông thường 1-5 năm), nhà thầu phải có tối thiểu ít nhất từ 01 hợp đồng trở lên (số hợp đồng là do bên mời thầu quy định trong hồ sơ mời thầu tùy theo tính chất gói thầu).
  • Khả năng thực hiện các dịch vụ bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác.

Điểm mới khi đánh giá năng lực kinh nghiệm đối với nhà thầu là nhà sản xuất

Kể từ cuối năm 2022 khi Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ra đời, một trong những điểm đổi mới căn bản trong cách đánh giá năng lực kinh nghiệm đó là cho phép đánh giá năng lực kinh nghiệm thông qua việc đánh giá năng lực sản xuất ra hàng hóa của gói thầu của nhà thầu. Khi đó thay vì đánh giá kinh nghiệm cung cấp thực hiện hợp đồng tương tự như đã nêu trên thì sẽ thực hiện đánh giá năng lực sản xuất hàng hoá thông qua sản lượng sản xuất trung bình 1 tháng trong năm gần nhất so với thời điểm đóng thầu. Sản lượng trung bình một tháng trong năm gần nhất so với thời điểm đóng thầu được tính bằng: k x (Số lượng yêu cầu của gói thầu x 30/thời gian giao hàng (tính theo ngày)). Trong đó quy đổi 1 tháng = 30 ngày và thông thường k = 2; trường hợp mua sắm tập trung hoặc mua sắm hàng hóa có số lượng, khối lượng mời thầu lớn thì có thể quy định k = 1. 
Ví dụ: Số lượng hàng hóa cần mua là 12.000 hộp sữa, thời gian thực hiện hợp đồng 20 ngày, hệ số k = 2 thì sản lượng sản xuất sữa trung bình một tháng trong năm gần nhất so với thời điểm đóng thầu tối thiểu là: (12.000 x30/20) x 2 = 36.000 hộp sữa/tháng. 
Để chứng minh được điều này, thông thường chúng ta có thể chứng minh qua 1 trong 2 cách sau:
  • Chứng minh thông qua số lượng hàng hóa đã xuất đi (Phiếu xuất kho + hóa đơn hoặc chứng từ hải quan)
  • Chứng minh thông qua năng lực sản xuất của dây chuyền sản xuất (Thiết kế công nghệ dược duyệt; Dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền được duyệt trong đó thể hiện công suất thiết kế; hồ sơ catalogue máy móc sản xuất ra sản phẩm đó...).
Đánh giá năng lực nhà sản xuất như thế nào?

4 lưu ý khi đánh giá năng lực kinh nghiệm đối với gói thầu mua sắm hàng hóa

  1. Không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng trên một địa bàn cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trên một địa bàn cụ thể như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu.
  2. Trường hợp nhà thầu có số năm thành lập ít hơn số năm theo yêu cầu của E-HSMT thì doanh thu bình quân hằng năm (không bao gồm thuế VAT) được tính trên số năm mà nhà thầu thành lập. Trường hợp doanh thu bình quân hàng năm (không bao gồm thuế VAT) của nhà thầu đáp ứng yêu cầu về giá trị của E-HSMT thì nhà thầu vẫn được đánh giá tiếp mà không bị loại.
  3. Việc xác định hợp đồng không hoàn thành phải dựa trên tất cả những thông tin về tranh chấp hoặc kiện tụng được giải quyết theo quy định của cơ chế giải quyết tranh chấp của hợp đồng tương ứng và khi mà nhà thầu đã hết tất cả các cơ hội có thể khiếu nại. Đối với các hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu nhưng vẫn hoàn thành hợp đồng thì không được coi là hợp đồng không hoàn thành.
  4. Trường hợp nhà thầu vừa là sản xuất, vừa là nhà cung cấp (một số hàng hóa do nhà thầu chào trong hồ sơ dự thầu là do nhà thầu sản xuất, các hàng hóa còn lại do nhà thầu mua từ nhà sản xuất, cung cấp khác để cung cấp cho gói thầu), thì ngoài kê khai về năng lực sản xuất, nhà thầu còn phải kê khai về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự. Việc đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự (tương ứng với phần hàng hóa mà nhà thầu mua từ nhà sản xuất, cung cấp khác) và năng lực sản xuất của nhà thầu (tương ứng với phần hàng hóa mà nhà thầu tự sản xuất).
Trên đây là những nội dung liên quan đến đánh giá năng lực kinh nghiệm nhà thầu và điểm mới hướng dẫn gỡ rối trong chứng minh năng lực sản xuất khi đấu thầu đối với nhà thầu là nhà sản xuất. DauThau.info vẫn luôn đồng hành cùng các nhà thầu, chủ đầu tư trong suốt thời gian qua không những mang đến những thông tin mới nhất liên quan đến các quy định và lưu ý quan trọng khi xây dựng tiêu chí năng lực kinh nghiệm của gói thầu mua săm hàng hóa. Ngoài ra, mới đây chúng tôi đã bổ sung thêm dịch vụ cung cấp chứng thư số công cộng sử dụng trên Hệ thống đấu thầu quốc gia mới e-GP, trong trường hợp có nhu cầu xin liên hệ:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

AI Tư Vấn Đấu Thầu
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây