Thế nào là nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ theo quy định của pháp luật doanh nghiệp?

Chủ nhật, 22 Tháng Chín 2019 3:09 CH
Rất nhiều gói thầu ghi là "Gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ (theo quy định của pháp luật doanh nghiệp) tham gia đấu thầu", vậy thế nào là nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ? Quy định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được ghi ở đâu?... mời các bạn xem bài viết này.

Các gói thầu nào chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ?

Các gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ sẽ được ghi thẳng trong thông báo mời thầu. Ví dụ gói thầu có số TBMT 20190937721 (Gói thầu số 08: Thi công xây lắp+Lán trại) như ảnh chụp dưới đây!Gói thầu chỉ dành cho nhà thầu nhỏ, siêu nhỏ!
Ảnh 1: Các gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ được ghi rất rõ ràng trong thông báo mời thầu.

Theo thống kê của DauThau.INFO, từ đầu năm 2019 đến nay có 91.000 thông báo mời thầu trong đó có 15.570 gói thầu ghi là "Gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ (theo quy định của pháp luật doanh nghiệp) tham gia đấu thầu". Như vậy tỷ lệ gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ chiếm tới hơn 17%. Đây là ưu đãi dành riêng cho các nhà thầu nhỏ, siêu nhỏ. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem thế nào là nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ và quy định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được ghi ở đâu nhé!

Thế nào là nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ?

Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ.

Tại Việt Nam, quy mô doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được xác định theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể như sau:

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ

Điều 6. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Bảng tổng hợp tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp:

Quy mô theo loại hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp siêu nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp vừa

DNSX DNTM DNSX DNTM DNSX DNTM
Tiêu chí

Số lao động tham gia BHXH bình quân năm (người)

≤ 10 

≤ 10 

≤ 100 

≤ 50 

≤ 200 

≤ 100 

Tổng doanh thu năm (tỷ đồng)

≤ 3 

≤ 10

≤ 50

≤ 100

≤ 200

≤ 300

Hoặc

Tổng nguồn vốn (tỷ đồng)

≤ 3

≤ 3

≤ 20

≤ 50

≤ 100

≤ 100

 
DNSX: Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng
DNTM: Doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ

Cách xác định lĩnh vực hoạt động của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp được xác định theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xác định lĩnh vực hoạt động theo lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.

Cách xác định số lao động tham gia BHXH bình quân năm

Số lao động tham gia BHXH là toàn bộ lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dung, trả lương tham gia BHXH (khoản 1 Điều 8 Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Cách tính số lao động tham gia BHXH bình quân năm như sau: Số lao động tham gia BHXH bình quân năm = Tổng số lao động tham gia BHXH của các tháng của năm/ 12 tháng

Nếu doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia BHXH bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia BHXH của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.

Xác định tổng nguồn vốn doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

(quy định tại Điều 9 Nghị định 39/2018/NĐ-CP)

Tổng nguồn vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được xác định trong bảng cân đối kế toán của Báo cáo tài chính năm trước đó.

Doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn xác định dựa vào bảng cân đối kế toán cuối quý liền kề tính tới thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng hỗ trợ.

Cách xác định tổng doanh thu của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

(quy định tại Điều 10 Nghị định 39/2018/NĐ-CP)

Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp được xác định dựa trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu, doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn để xác định thuộc quy mô nào.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Huong dan su dung dauthau.info
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây