Cần hiểu đúng về làm rõ hồ sơ dự thầu trong đấu thầu

Thứ hai, 30 Tháng M. hai 2024 8:05 SA
Làm rõ hồ sơ dự thầu là quyền lợi, nghĩa vụ của nhà thầu và cũng là trách nhiệm của bên mời thầu/chủ đầu tư. Tuy nhiên, để hiểu rõ là thực hiện công tác làm rõ hồ sơ dự thầu trong đấu thầu không ít bên còn lúng túng, thậm chí thực hiện chưa đúng trong giai đoạn đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự thầu. Bài viết hôm nay DauThau.info sẽ phân tích các tình huống làm rõ hồ sơ dự thầu để bên mời thầu/chủ đầu tư lẫn nhà thầu cần hiểu đúng quy định về làm rõ hồ sơ dự thầu. Hãy cùng đón xem bài viết sau đây!
Cần hiểu đúng về làm rõ hồ sơ dự thầu
Cần hiểu đúng về làm rõ hồ sơ dự thầu

Làm rõ hồ sơ dự thầu là gì?

Khi tham dự thầu, sau khi đóng thầu và chuyển qua bước đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự. Nếu bên mời thầu/tổ chuyên gia thấy có các nội dung cần làm rõ hồ sơ dự thầu thì sẽ tiến hành làm rõ hồ sơ của nhà thầu đó. Bên mời thầu sẽ phát hành văn bản đề nghị nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần làm rõ, nhà thầu nhận được văn bản yêu cầu làm rõ đó sẽ thực hiện làm rõ thông qua các tài liệu và văn bản giải thích, làm rõ. Quá trình đó được gọi là làm rõ hồ sơ dự thầu.

4 nguyên tắc làm rõ hồ sơ dự thầu

Có 4 nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu mà các bên cần phải nắm đó là:
  • Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu về tư cách hợp lệ, hợp đồng tương tự, năng lực sản xuất, báo cáo tài chính, nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế, nhân sự, thiết bị thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm.
  • Đối với nội dung về tư cách hợp lệ, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu. Đối với các nội dung về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu (trừ nội dung về tư cách hợp lệ), đề xuất về kỹ thuật, tài chính, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu. 
  • Việc làm rõ hồ sơ dự thầu được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần làm rõ. Nội dung làm rõ hồ sơ dự thầu phải thể hiện bằng văn bản và được bên mời thầu bảo quản như một phần của hồ sơ dự thầu.
  • Trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của các tài liệu do nhà thầu cung cấp, bên mời thầu được xác minh với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung của tài liệu.

Chi tiết những nội dung cần làm rõ

Theo những nguyên tắc cơ bản của việc làm rõ nội dung hồ sơ dự thầu nêu trên, chúng ta sẽ đi lần lượt từng nội dung làm rõ và một số tình huống làm rõ thông thường.

1. Làm rõ tư cách hợp lệ

Tư cách hợp lệ khi tham dự thầu có 4 nội dung:
  • Bảo đảm dự thầu
  • Thỏa thuận liên danh
  • Tư cách hợp lệ theo Điều 5 Luật Đấu thầu 2023
  • Nhân sự của nhà thầu tham dự thầu có vi phạm trong thời hạn 03 năm trước thời điểm đóng thầu hay không (nếu có)
Đối với đảm bảo dự thầu, thông thường các nội dung trong thư bảo lãnh (cách thông thường nhất mà các nhà thầu hay thực hiện) khá rõ ràng, ít có nội dung cần làm rõ. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn cho khách hàng, DauThau.info gặp không ít nội dung liên quan đến vấn đề có nên/được làm rõ bảo lãnh dự thầu hay không, dưới đây là 2 ví dụ điển hình:
  • Bảo lãnh dự thầu đính kèm khi tham dự thầu qua mạng thiếu trang 2 (trang có chữ ký, đóng dấu của ngân hàng phát hành bảo lãnh): Đây phải nói là thiếu sót đáng tiếc do sự thiếu cẩn trọng của bộ phận làm thầu, mặc dù có thể có nhiều phương pháp tra cứu được tình trạng của bảo lãnh này. Tuy nhiên, việc "thiếu trang ký tên, đóng dấu" được xem là "không có" đại diện hợp pháp của bên phát hành bảo lãnh ký tên, đóng dấu. Do dó, bảo lãnh này không được xem là hợp lệ, vì vậy Bên mời thầu nên cân nhắc vấn đề này và nhà thầu cũng cần hết sức lưu ý nội dung này. Hy vọng tới đây khi bảo lãnh điện tử được liên thông và phát hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ tránh được trường hợp thiếu sót này.
  • Bảo lãnh dự thầu ghi nhầm ngày: Có trường hợp ngày phát hành hồ sơ mời thầu là 18/11/2024, ngày phát hành bảo lãnh do sơ xuất ghi là 18/10/2024. Đây là trường hợp bảo lãnh dự thầu ký trước khi phát hành hồ sơ mời thầu. Theo cách hiểu thông thường của nhiều nhà thầu do có sự nhầm lẫn nên bên mời thầu nên làm rõ để nhà thầu gửi lại bản bảo lãnh dự thầu đúng, tuy nhiên, ngày giờ phát hành đã ghi rõ ràng (18/10/2024) nên không có nội dung gì cần làm rõ. Do đó bảo lãnh dự thầu này sẽ không hợp lệ.
Đối với thỏa thuận liên danh, đa số do việc phân chi phạm vi công việc không rõ ràng giữa các thành viên liên danh với nhau, hoặc có sự phân chia nhưng khi tham dự thầu thì tỷ lệ tham gia (tính trên giá dự thầu) lại không khớp với tỷ lệ thỏa thuận trong liên danh. Việc này sẽ được bên mời thầu yêu cầu làm rõ.

Đối với tư cách hợp lệ, đa số liên quan đến tư cách hợp lệ liên quan đến các giấy tờ của nhà thầu thì hoàn toàn có thể được cung cấp bổ sung khi làm rõ, vì bản thân các giấy tờ này đang hiện hữu (Không làm thay đổi bản chất của nhà thầu).

2. Làm rõ về hợp đồng tương tự

Trong tất cả các mẫu hồ sơ mời thầu (trừ gói thầu tư vấn) đều quy định rất rõ: "Trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin về hợp đồng tương tự kê khai trên webform và file tài liệu chứng minh các thông tin về hợp đồng đó thì Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ E-HSDT. Trường hợp các hợp đồng mà nhà thầu kê khai, đính kèm trong E-HSDT không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT hoặc nhà thầu không kê khai hợp đồng tương tự trên webform, Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung hợp đồng khác (được cập nhật từ hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống) để đáp ứng yêu cầu của E-HSMT trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 03 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có hợp đồng đáp ứng yêu cầu của E-HSMT thì nhà thầu bị loại".

Đối với hợp đồng tương tự, có rất nhiều tình huống cần làm rõ, trong đó phổ biến nhất là các nhà thầu "tạo dựng hợp đồng giả". Việc xác định hợp đồng tương tự thật giả cũng sẽ khiến bên mời thầu/chủ đầu tư mất nhiều thời gian, nhưng không có gì là không thể thực hiện, đặc biệt là hiện nay việc sử dụng hóa đơn điện tử đã rất rõ ràng và minh bạch, dễ tra cứu.

3. Làm rõ về năng lực sản xuất 

Quy định về việc chứng minh năng lực sản xuất hàng hóa (trong gói thầu mua sắm hàng hóa) chưa được rõ ràng, nên cách tốt nhất là chứng minh bằng sản lượng hàng hóa đã sản xuất và bán ra (thông qua hóa đơn chứng từ), ngoài ra có thể tham khảo thêm bài viết của DauThau.info đã thực hiện: Bài viết về chứng minh năng lực sản xuất hàng hóa

4. Báo cáo tài chính và nghĩa vụ kê khai thuế

Thông thường, nếu nhà thầu chỉ nộp báo cáo tài chính lên cơ quan thế 1 lần và không nộp điều chỉnh thì số liệu tài chính trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được tự động tải về sẽ chính xác và khớp với số liệu báo cáo tài chính, nhà thầu cũng không cần phải kê khai lại. Tuy nhiên, vớibáo cáo tài chỉnh gửi cho cơ quan thuế nhiều lần (điều chỉnh nhiều lần) thì số liệu sẽ khác nhau, khi đó nhà thầu cần tự kê khai báo cáo tài chính đồng thời đính kèm các tờ khai quyết toán thuế khớp với số liệu báo cáo tài chính (cuối cùng) này. Đa số việc làm rõ rơi vào trường hợp số liệu không khớp nhau (giữa trên hệ thống với bản báo cáo tài chính đính kèm; giữa bản đính kèm và tờ khai thuế).
Làm rõ về năng lực tài chính
Làm rõ về năng lực tài chính

5. Làm rõ về nhân sự và thiết bị

Đối với nhân sự và thiết bị trong các gói thầu thông thường "bị" làm rõ nhiều, lý do đa số nằm ở một số nguyên nhân cơ bản sau:
  • Bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự có đáng tin không?
  • Nhân sự của nhà thầu hay nhân sự huy động (đi thuê)
  • Nhân sự đó đã tham gia các hợp đồng tương tự trước đó chưa? Tài liệu nào chứng minh?
Đã có rất nhiều trường hợp khi bên mời thầu xác minh bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự và phát hiện ra nhà thầu sử dụng các bằng cấp giả, bằng chấp chứng chỉ được chế khi được hỏi thẳng nơi đào tạo về các nhân sự này. Đối với trường hợp chứng minh kinh nghiệm tham gia các hợp đồng tương tự cũng vậy, sau khi được xác minh từ chính chủ đầu tư (của công trình/dự án trước đó), mới thấy có rất nhiều nhà thầu táo bạo làm giả các biên bản nghiệm thu, chứng nhận... Ở đây DauThau.info cũng xin lưu ý, đối với các tài liệu tự khai hay các văn bản nội bộ từ chính nhà thầu (Ví dụ như các quyết định bổ nhiệm, chỉ định nhân sự tham gia công trình/dự án A...) không mang tính khách quan, chưa thể là cơ sở để đánh giá thực sự nhân sự đó có tham gia vào công trình/dự án tương tự trước đó hay không.

Tình trạng đối với thiết bị cũng tương tự, thường các nhà thầu rất hay "chế" các giấy tờ liên quan đến thiết bị, đến khi yêu cầu mang bản chính đến đối chiếu mới không cung cấp được hoặc cung cấp các giấy tờ không đúng với kê khai.

6. Làm rõ về đề xuất kỹ thuật, tài chính

Có nhiều bên mời thầu cũng như nhà thầu vẫn còn "mơ hồ" về vấn đề cung cấp đề xuất kỹ thuật khi tham dự thầu, có thể ví đề xuất kỹ thuật như một bài dự thi trên cơ sở đầu bài của hồ sơ mời thầu đưa ra. Nếu hồ sơ mời thầu đánh giá với nội dung đạt/không đạt hoặc chấm điểm với đề xuất kỹ thuật, mà nhà thầu không có hoặc có đề xuất kỹ thuât bị đánh giá là không đạt thì sẽ bị loại. Không có câu chuyện làm rõ ở đây như DauThau.info đã từng nhận được rất nhiều tính huống tư vấn qua hệ thống suport ticket. Bởi lẽ, ví dụ trường hợp nhà thầu không nộp đề xuất kỹ thuật, có nghĩa là không có đề xuất > bị đánh giá là không đạt, vậy nếu yêu cầu nhà thầu bổ sung làm rõ, sẽ biến nhà thầu từ không đạt > thành đạt. Vậy thử hỏi, cuộc đấu thầu đó có công bằng với các nhà thầu khác không? 

Hoặc đối với trường hợp đề xuất về tài chính, nguyên tắc làm rõ là không làm thay đổi giá dự thầu, vậy mà có bên mời thầu vẫn "muốn" đề nghị nhà thầu làm rõ về đơn giá để thay đổi đơn giá dự thầu vì cho rằng (hoặc lấy cớ?) về đơn giá bất thường do nhầm lẫn về đơn vị tính, việc này dẫn đến thay đổi giá dự thầu.

Bài viết trên đây DauThau.info phân tích và đưa ra một số tình huống để bên mời thầu nhà thầu cần hiểu đúng về làm rõ hồ sơ dự thầu trong đấu thầu. Trường hợp quý khách hàng gặp các tình huống phát sinh có thể liên lạc với DauThau.info để trợ giúp:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!
 Tags: làm rõ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

gói PLP Report - Báo cáo kết qủa hoạt động kinh doanh
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây