Kiến nghị ẩn danh hay chính danh trong đấu thầu?

Thứ năm, 05 Tháng Sáu 2025 4:24 CH
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình có khả năng bị ảnh hưởng, nhà thầu được kiến nghị người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu xem xét lại các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu lo ngại bị “trù dập” nếu lộ danh tính. Vậy nhà thầu nên chọn kiến nghị ẩn danh hay chính danh? Làm sao để kiến nghị ẩn danh hợp pháp trong đấu thầu? Cùng DauThau.info tìm hiểu trong bài viết sau!
Kiến nghị trong đấu thầu ẩn danh hay phải chính danh?
Kiến nghị trong đấu thầu ẩn danh hay phải chính danh?

Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị

Kiến nghị chia làm 2 giai đoạn, 1 giai đoạn trước thời điểm có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư và 1 giai đoạn khi đã có kết quả lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư. Chúng ta cùng xem xét đối với các giai đoạn này như sau:

Đối với các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu

  • Đối với kiến nghị về nội dung hồ sơ mời thầu, đơn kiến nghị có thể của các cơ quan, tổ chức quan tâm đến gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh; đối với các nội dung khác về quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đơn kiến nghị phải là của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

  • Đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức gửi đơn hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

  • Đơn kiến nghị được gửi đến đơn vị giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 91 và khoản 1 Điều 92 của Luật này trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Khoản 1 Điều 91 như sau:

1. Việc giải quyết kiến nghị về các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện như sau:
a) Nhà thầu, cơ quan, tổ chức gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trước khi kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức;
c) Trường hợp nhà thầu, cơ quan, tổ chức không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư;
d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức.

Khoản 1 Điều 92 như sau:

1. Việc giải quyết kiến nghị về các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:
a) Nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức;
c) Trường hợp nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu; 
d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức.

Đối với kiến nghị khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư:

  • Đơn kiến nghị là của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

  • Đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

  • Nội dung kiến nghị chưa được nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện, khiếu nại, tố cáo;

  • Nội dung kiến nghị liên quan trực tiếp đến kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư có đơn kiến nghị;

  • Chi phí giải quyết kiến nghị được nhà thầu, nhà đầu tư có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị (sau đây gọi là bộ phận thường trực) trước hoặc đồng thời với đơn kiến nghị;

  • Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 91 của Luật này; nhà đầu tư phải gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu, người có thẩm quyền trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 92 của Luật này.

Khoản 2 Điều 91 như sau:

2. Việc giải quyết kiến nghị sau khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo một trong hai quy trình sau đây:
a) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu. 
Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn quy định tại khoản này mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị;
b) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Khoản 2 Điều 92 như sau:

2. Việc giải quyết kiến nghị sau khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo một trong hai quy trình sau đây:
a) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư. 
Trường hợp nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm này mà bên mời thầu không có văn bản trả lời thì nhà đầu tư có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị;
b) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Kiến nghị ẩn danh hay chính danh?

Quay trở lại chủ đề chính, vậy khi nhà thầu kiến nghị thì thực hiện kiến nghị ẩn danh hay chính danh? Nếu đọc kỹ các quy định về điều kiện để xem xét kiến nghị nêu trên thì sẽ có 2 trường hợp:

Kiến nghị đối với đấu thầu qua mạng

Đa số các gói thầu hiện nay đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng, như vậy có nghĩa là đa phần các gói thầu hiện nay nhà thầu nếu có kiến nghị phải thực hiện thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Quy định đã nêu rõ tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT

4. Văn bản điện tử là văn bản, thông tin được gửi, nhận và lưu trữ thành công trên Hệ thống, bao gồm:
...
k) Nội dung kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng;
...

Điều đó có nghĩa, nhà thầu chỉ cần gửi văn bản, thông tin qua Hệ thống (Văn bảncó thể là các định dạng thông thường như.doc, .pdf...), quá trình gửi thông tin này sẽ được xác thực bằng chữ ký số của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thông tin mà bên mời thầu/chủ đầu tư nhận được là thông tin ẩn tên nhà thầu có kiến nghị (trừ trường hợp nhà thầu nêu tên mình trong nội dung kiến nghị). Lưu ý nhà thầu không cần phải ký số trong văn bản gửi đi nếu muốn ẩn danh.

Do đó khi cần ẩn danh, nhà thầu chỉ cần gửi nội dung kiến nghị, không cần nêu rõ thông tin nhà thầu tham dự, nhà thầu thực hiện chữ ký số khi gửi kiến nghị là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu 2023, bên mời thầu/chủ đầu tư phải thực hiện tiếp nhận và xử lý thông tin với trường hợp này chứ không được từ chối trả lời với lý do nhà thầu kiến nghị ẩn danh. Nếu hiểu rõ điều này, chắc hẳn đã không có những câu chuyện bức xúc tương tự như trường hợp dưới đây:

Bức xúc về kiến nghị
Bức xúc về kiến nghị

Như vậy, đối với đấu thầu qua mạng, nhà thầu hoàn toàn có thể thực hiện kiến nghị ẩn danh. Chủ đầu tư/bên mời thầu không biết danh tính của nhà thầu kiến nghị, tuy nhiên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia lưu giữ các thông tin này trên hệ thống, do đó nhà thầu cần ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với các vấn đề kiến nghị của mình. Yêu cầu đối với kiến nghị được thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với hình như sau:

Kiến nghị ẩn danh
Nhà thầu thực hiện kiến nghị ẩn danh

Kiến nghị đối với đấu thầu không qua mạng

Đối với đấu thầu không qua mạng, việc tiếp xúc giữa các bên phải thông qua các văn bản giấy tờ nên kiến nghị của nhà thầu phải có "chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu" nên việc ẩn danh sẽ không thực hiện được, đồng thời cũng để phù hợp với điều kiện xem xét là nhà thầu/nhà đầu tư đó nằm trong danh sách nhà thầu/nhà đầu tư tham dự, tránh trường hợp "quấy rối, phá đám". Như vậy, đối với đấu thầu không qua mạng, nhà thầu/nhà đầu tư muốn kiến nghị thì phải thực hiện chính danh, không ẩn danh được như đấu thầu qua mạng.

Bài viết trên của DauThau.info đã làm rõ liên quan đến vấn đề khi kiến nghị thầu thì ẩn danh hay chính danh. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc hãy liên hệ ngay với DauThau.info qua:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Huong dan su dung dauthau.info
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây