Giải pháp và phương pháp luận thực hiện gói thầu là một phần rất quan trọng trong hồ sơ dự thầu, đặc biệt là gói thầu tư vấn như: tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án... đây cũng là tiêu chí để bên mời thầu đánh giá năng lực kỹ thuật của nhà thầu thông qua sự hiểu biết về gói thầu/dự án, qua đó đánh giá nhà thầu đạt/không đạt hay đánh giá điểm theo thang điểm (đối với hồ sơ mời thầu quy định thang điểm). Với gói thầu tư vấn, đây là yếu tố quan trọng giúp hồ sơ của nhà thầu có đạt hay không? Bài viết hôm nay DauThau.info sẽ hướng dẫn, chia sẻ một số kinh nghiệm viết giải pháp và phương pháp luận gói thầu tư vấn, hãy cùng đón xem bài viết nhé!
Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu tư vấn gồm những gì?
Gói thầu tư vấn nói chung và gói thầu tư vấn quản lý dự án nói riêng có đặc thù rất khác so với các gói thầu khác đó là thực hiện qua 3 bước đánh giá:
Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu (nội dung này tương tự với các gói thầu loại khác)
Đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật:
Được đánh giá bằng phương pháp chấm điểm, trong đó phần năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu được lồng ghép vào nội dung này và chiếm tỷ trọng điểm tối đa 15% - không như các loại gói thầu khác sẽ phải đánh giá phần năng lực kinh nghiệm trước, nếu đạt mới đánh giá các bước tiếp theo.
Cơ cấu điểm trong đánh giá kỹ thuật sẽ gồm: 0-15% cho đánh giá năng lực kinh nghiệm; 5% cho uy tín của nhà thầu thông qua thực hiện các hợp đồng; 30-40% số điểm cho giải pháp và phương pháp luận thực hiện gói thầu; 50-60% cho nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu; 0-10% cho yêu cầu về chuyển giao công nghệ.
Đánh giá về tài chính: Cũng thực hiện đánh giá tương tự các gói thầu khác, tuy nhiên chỉ lựa chọn 1 trong 2 phương pháp đánh giá sau:
Đánh giá theo phương pháp giá thấp nhất: Hồ sơ dự thầu có giá thấp nhất được xếp hạng cao nhất
Đánh giá theo phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá: Hồ sơ dự thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng cao nhất.
Điều kiện trúng thầu gói thầu tư vấn
Điều kiện xét duyệt trúng thầu gói tư vấn được quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Đấu thầu 2023, cụ thể:
1. Nhà thầu tư vấn là tổ chức được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ;
b) Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Đối với phương pháp giá thấp nhất: có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất; đối với gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói, có giá dự thầu trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất; đối với phương pháp giá cố định và phương pháp dựa trên kỹ thuật: có điểm kỹ thuật cao nhất; đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá: có điểm tổng hợp cao nhất;
d) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.
Trường hợp với cá nhân, điều kiện trúng thầu được quy định như sau:
2. Nhà thầu tư vấn là cá nhân được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có hồ sơ lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật (nếu có) tốt nhất và đáp ứng yêu cầu của điều khoản tham chiếu;
b) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.
Yêu cầu đối với giải pháp và phương pháp luận
Đối với gói thầu tư vấn do tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật sẽ được thực hiện theo phương pháp chấm điểm (0-100 hoặc 1000 điểm), nhà thầu phải đạt ít nhất 70% số điểm (tương ứng với 70 điểm hoặc 700 điểm với thang điểm 1000), phần giải pháp và phương pháp luận rất quan trọng và chiếm tỷ trọng từ 30 đến 40% số điểm nên nếu không đạt số điểm ở đây thì nguy cơ bị loại là rất cao.
Giải pháp và phương pháp luận gói thầu tư vấn thường bao gồm những nội dung sau:
Hiểu rõ mục đích gói thầu
Cách tiếp cận và phương pháp luận
Sáng kiến cải tiến
Cách trình bày
Kế hoạch triển khai
Bố trí nhân sự
Các yếu tố khác
Hướng dẫn viết giải pháp và phương pháp luận gói thầu tư vấn quản lý dự án
Tùy theo từng gói thầu/dự án cụ thể mà bên mời thầu đưa ra thì chúng ta sẽ dựa vào từng yêu cầu cụ thể đó để viết các giải pháp phù hợp. Về cơ bản bên mời thầu cũng sẽ xây dựng các tiêu chí xoay quanh 7 nhóm vấn đề mà bài viết đã trình bầy ở phần trên, do đó để viết tốt phần giải pháp và phương pháp luận cho gói thầu tư vấn quản lý dự án thì chúng ta cần hiểu rõ từng yêu cầu cụ thể đối với mỗi vấn đề đó và diễn giải các nội dung sao cho bên mời thầu hiểu được và đồng tình với đề xuất của mình.
Cụ thể phải viết được những vấn đề sau:
Hiểu rõ mục đích gói thầu: Nhà thầu nên trình bầy tối thiểu được ít nhất các thông tin cơ bản về gói thầu như chủ đầu tư là ai, gói thầu thực hiện tại đâu, hình thức đấu thầu, thời gian thực hiện gói thầu, tiến độ gói thầu và mục đích gói thầu là chọn nhà thầu để làm gì? Đồng thời có thể phân tích thêm về đặc điểm của gói thầu thông qua việc đọc các thông tin được bên mời thầu cung cấp tại Chương V - hồ sơ mời thầu hoặc các thông tin mà nhà thầu tự tìm hiểu được qua các kênh chính thức cũng như không chính thức.
Cách tiếp cận và phương pháp luận: Nhà thầu cần trình bầy tối thiểu được một số vấn đề như đề xuất về kỹ thuật bao gồm tất cả hạng mục công việc quy định trong điều khoản tham chiếu tại chương V; Các hạng mục công việc được phân chia thành những nhiệm vụ cụ thể một cách hoàn chỉnh, đồng thời có phân công cho từng chuyên gia tư vấn đề xuất thực hiện gói thầu; Đối với từng nhiệm vụ công việc nêu được phương pháp thực hiện phù hợp với nhiệm vụ của gói thầu. Các nội dung này cần lưu ý tránh nói lan man tổng thể (kiểu copy từ gói thầu này sang gói thầu khác), cần nói đúng vào nhiệm vụ cụ thể từng công việc của gói thầu. Hiểu biết của nhà thầu về lĩnh vực quản lý dự án.
Sáng kiến, cải tiến: Đề xuất ý tưởng để có thể hoàn thiện lại phạm vi công việc gói thầu hoặc đưa ra các ý tưởng và giải pháp tốt hơn, hay hơn, làm tiết tiệm cho chủ đầu tư nếu thực hiện theo phương án này.
Cách trình bày: Cần trình bầy khoa học, hợp lý, cấu trúc từng mục rõ ràng theo chỉ dẫn tại Chương V, bám sát các nhiệm vụ được chủ đầu tư đưa ra tại chương V để viết giải pháp theo từng ý.
Kế hoạch triển khai: Kế hoạch công việc bao gồm tất cả các nhiệm vụ để thực hiện gói thầu. Mỗi một nhiệm vụ cụ thể phải được phân tích, mô tả chi tiết, rõ ràng; Kế hoạch triển khai phù hợp với phương pháp luận và tiến độ công việc cũng như bố trí nhân sự. Nên lập chi tiết các bảng biểu mô tả kế hoạch thực hiện công việc và tiến độ nộp báo cáo.
Bố trí nhân sự: Đây là phần việc rất quan trọng của gói thầu tư vấn quản lý dự án, cần có nghiên cứu và bố trí nhân sự hợp lý, khoa học, đầy đủ các bộ môn để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể và đáp ứng tối thiểu yêu cầu nhân sự của hồ sơ mời thầu. Nên có sơ đồ tổ chức và kế hoạch nhân viên được hoàn tất và chi tiết; Thời điểm và thời gian huy động chuyên gia tư vấn phù hợp với kế hoạch triển khai, thời gian cho công việc của từng chuyên gia là đầy đủ, thích hợp.
Các yếu tố khác: Thông thường nếu gói thầu có tính chất đặc thù riêng biệt chủ đầu tư có thể có thêm nội dung ở mục này, tùy vào yêu cầu cụ thể của từng gói thầu mà nhà thầu nghiên cứu và viết giải pháp cho nội dung này.
Bài viết trên đây DauThau.info đã cung cấp những nội dung cơ bản và cách viết giải pháp và phương pháp luận gói thầu tư vấn quản lý dự án. Trường hợp quý khách hàng gặp các tình huống phát sinh có thể liên lạc với DauThau.info để trợ giúp:
Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!
Chào Bạn, Bạn chưa đăng nhập, vui lòng đăng nhập để sử dụng hết các chức năng dành cho thành viên.
Bạn có thể sử dụng tài khoản ở DauThau.info để đăng nhập trên DauThau.Net và ngược lại!
Nếu Bạn chưa có tài khoản thành viên, hãy đăng ký.
Việc này chỉ mất 5 phút và hoàn toàn miễn phí! Tài khoản này của bạn có thể sử dụng chung ở tất cả hệ thống của chúng tôi, bao gồm DauThau.info và DauThau.Net