Chia sẻ kinh nghiệm kiến nghị trong đấu thầu như thế nào cho hiệu quả

Thứ bảy, 22 Tháng Bảy 2023 8:10 SA
Khi thực hiện kiến nghị trong đấu thầu, cần phải nắm rõ quy trình giải quyết kiến nghị theo hướng dẫn của Luật Đấu thầu, đồng thời các nội dung kiến nghị cũng cần có "sức nặng" để các bên liên quan mới "thấm" vấn đề và giải quyết. Hãy cùng DauThau.info chia sẻ kinh nghiệm kiến nghị trong đấu thầu cũng như thực hiện kiến nghị đấu thầu qua mạng với bài viết sau đây!
Đơn kiến nghị
Đơn kiến nghị
CLICK HERE to view in English

Trong rất nhiều trường hợp nhà thầu có kiến nghị với bên mời thầu/chủ đầu tư nhưng động thái im lặng, lờ đi, hoặc kiến nghị một đằng, trả lời một nẻo của các bên mời thầu và chủ đầu tư, thậm chí là của các cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương khiến nhiều nhà thầu không ít bức xúc. Hãy cùng DauThau.info xem xét vấn đề này thông qua các quy định và kinh nghiệm góp ý cho các nhà thầu để đạt hiệu quả mong muốn khi thực hiện việc kiến nghị trong đấu thầu.

Quy trình kiến nghị trong đấu thầu

Việc đầu tiên nhà thầu cần phải nắm rõ quyền lợi ích hợp pháp của mình và quy trình kiến nghị đấu thầu được pháp luật quy định như thế nào. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quyền là nghĩa vụ của nhà thầu trong kiến nghị đấu thầu được quy định tại Điều 91 Luật Đấu thầu 2013:

Điều 91. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu
1. Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền:
a) Kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 của Luật này;
b) Khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị.
2. Nhà thầu, nhà đầu tư đã khởi kiện ra Tòa án thì không gửi kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị mà nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay.

Quy trình thực hiện kiến nghị trong đấu thầu theo Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 như sau:

Điều 92. Quy trình giải quyết kiến ngh
1. Quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu như sau:
a) Nhà thầu được gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
c) Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu;
d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.
2. Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu như sau:
a) Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;
b) Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
c) Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, thứ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập; cấp địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương thành lập;
d) Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
đ) Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ văn bản kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Văn bản tạm dừng cuộc thầu phải được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Thời gian tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày chủ đầu tư, bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng đến khi người có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
e) Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
3. Quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư như sau:
a) Nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị đến bên mời thầu từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư;
c) Trường hợp bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu;
d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư.
4. Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư như sau:
a) Nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị đến bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư;
c) Trường hợp bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu;
d) Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà đầu tư;
đ) Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ văn bản kiến nghị của nhà đầu tư đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Văn bản tạm dừng cuộc thầu phải được gửi đến bên mời thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Thời gian tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng đến khi người có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
e) Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
5. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị trực tiếp đến người có thẩm quyền mà không tuân thủ theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều này thì văn bản kiến nghị không được xem xét, giải quyết.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tiếp đó, cần lưu ý Chính phủ hướng nội dung kiến nghị đấu thầu dẫn tại Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP như sau:

Điều 118. Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị
1. Đơn kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu.
2. Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có).
3. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu.
4. Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án.
5. Chi phí giải quyết kiến nghị theo quy định tại Khoản 8 Điều 9 của Nghị định này được nhà thầu có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn đối với trường hợp kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu do người có thẩm quyền giải quyết.

Kinh nghiệm thực hiện kiến nghị trong đấu thầu

  Thông thường sự việc xảy ra kiến nghị là việc cực chẳng đã, gần như là đa số sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì các nhà thầu bị loại thường ở tình trạng rơi vào những vấn đề của Hồ sơ mời thầu có thể vô tình hay hữu ý làm khó nhà thầu hoặc đưa ra các yêu cầu không phù hợp hoặc yêu cầu không mang tính định lượng, khi chuẩn bị Hồ sơ dự thầu nhà thầu chưa có kinh nghiệm nêu dính "bẫy" Hồ sơ mời thầu. Nếu là nhà thầu có kinh nghiệm và nhạy cảm, ngay từ bước chuẩn bị Hồ sơ dự thầu nhà thầu cần có yêu cầu làm rõ Hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu (Thông thường quy định là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu).

Ngoài lưu ý về mốc thời gian đề nghị làm rõ Hồ sơ mời thầu, nhà thầu cần nắm rõ và nắm chắc các quy định của pháp luật về đấu thầu. Đặc biệt, những điều khoản quy định trong Hồ sơ mời thầu với mục đích nhắm đến một nhà thầu nào đó có dự định trước thường dễ bị mắc phải "Đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng" - Khoản 2, Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hoặc "Đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu". Đối với mua sắm hàng hóa Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu "Không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử... Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất". Đối với gói thầu xây lắp "Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu" (Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2017).

Chỉ khi những kiến nghị của nhà thầu có lý, có tình và đúng quy định của Pháp luật sẽ khiến bên mời thầu/chủ đầu tư cần phải thực sự xem xét vấn đề đối với Hồ sơ mời thầu đã phát hành. Đồng thời, để kịp thời và hiệu quả nếu kiến nghị của nhà thầu không được xem xét một cách nghiêm túc, nhà thầu cần gửi kiến nghị của mình đến Báo Đấu thầu hoặc phản ánh đến đường dây nóng của Báo Đấu thầu trước những vấn đề kiến nghị. Những nội dung giải quyết kiến nghị trên cần lưu ý thuộc quy trình tại Mục 1 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 .

Trong trường hợp kiến nghị đối với kết quả lựa chọn nhà thầu, cần phải lưu ý đơn kiến nghị chỉ được xem xét, chấp thuận trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Nội dung này nhiều nhà thầu cũng không để ý hoặc bị động vì đôi khi thời điểm nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu (ghi trên quyết định/thông báo) đến thời điểm nhà thầu nhận được bản chính thức cũng mất một thời gian tương đối dài (Luật Đấu thầu 2013 quy định phải gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo đường bưu điện, fax là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt). Những nội dung giải quyết kiến nghị với kết quả lựa chọn nhà thầu cần lưu ý thuộc quy trình tại Mục 2 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 .

Ngoài mốc thời gian cần lưu ý trên, nhà thầu cũng cần nắm được đơn kiến nghị phải có chữ ký hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu ký, đóng dấu (nếu có) của nhà thầu tham dự. Trường hợp liên danh cũng tương tự phải là đại diện hợp pháp của người được ủy quyền theo thỏa thuận liên danh đã ký kết khi tham dự thầu. Địa chỉ gửi cũng cần chính xác theo hướng dẫn của Luật Đấu thầu 2013 và tra cứu vào Bảng dữ liệu của Hồ sơ mời thầu để tránh gửi đơn vượt cấp, bị chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như đơn vị tư vấn căn cứ vào đó bắt lỗi và không xem xét đơn kiến nghị.

Kiến nghị trong đấu thầu qua mạng thực hiện như thế nào

Tại thời điểm chúng tôi chỉnh sửa bài viết này, nhà thầu có thể thực hiện kiến nghị sửa đổi hồ sơ mời thầu qua mạng cũng như thực hiện kiến nghị khác liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu. Để thực hiện ta sẽ làm như sau:
Trang chủ > chọn Đấu thầu qua mạng > chọn menu Quy trình lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu. Tại đây ta có thể thực hiện ở mục Yêu cầu làm rõ HSMT/HSMST/HSMQT (cũng là một dạng của kiến nghị trong đấu thầu qua mạng) hoặc mục Kiến nghị để thực hiện các yêu cầu kiến nghị đấu thầu qua mạng. Sau đó chỉ việc viết  và đính kèm tài liệu kiến nghị qua mạng gửi lên hệ thống là bên mời thầu sẽ nhận được.
kiến nghị trong đấu thầu qua mạng
Kiến nghị trong đấu thầu qua mạng
Trên đây là một vài gợi ý của DauThau.info để các nhà thầu có thể thực hiện kiến nghị trong đấu thầu cũng như kiến nghị trong đấu thầu qua mạng khi tham gia đấu thầu. Trân trọng cảm ơn quý độc giả đã luôn ủng hộ DauThau.info trong suốt quá trình vừa qua. Trường hợp cần được hỗ trợ, vui lòng liên hệ:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

AI Tư Vấn Đấu Thầu
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây