Thông tin liên hệ
- 0904.634.288, 024.8888.4288
- [email protected]
- Facebook Fanpage: http://fb.com/dauthau.info
- Messenger: http://m.me/dauthau.info
Pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm thời gian có hiệu lực của đảm bảo dự thầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể hiểu: Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu là khoảng thời gian mà trong đó bảo đảm dự thầu vẫn còn giá trị pháp lý và có hiệu lực ràng buộc đối với nhà thầu. Nói cách khác, đây là thời gian mà nhà thầu cam kết không rút hồ sơ dự thầu và các đề xuất trong hồ sơ dự thầu.
Căn cứ theo khoản 5 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 có quy định về thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu như sau:
“Điều 14. Bảo đảm dự thầu
...
5. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày.”
Như vậy, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu sẽ được quy định trong hồ sơ mời thầu. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu = Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu + 30 ngày.
Căn cứ tại khoản 6 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 có quy định: “Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu.”
*** Lưu ý:
Trong trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu thì nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu đã nộp.
Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.
Như vậy, nếu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu.
Dưới đây là một số tình huống thường gặp liên quan đến thời gian có hiệu lực của đảm bảo dự thầu mà quý doanh nghiệp nên tham khảo, cụ thể:
Tình huống 1
Câu hỏi: Chủ đầu tư gia hạn thời gian mở thầu nhưng nhà thầu không gia hạn hiệu lực của bảo đảm dự thầu thì có bị trượt không?
Chuyên gia DauThau.info trả lời: Đối với trường hợp này, hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ không được xem xét.
Tình huống 2
Câu hỏi: Trong Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT có quy định cụ thể trường hợp giá trị bảo đảm dự thầu <50tr thì thư bảo lãnh dự thầu có hiệu lực như thế nào. Ví dụ: gói thầu có bảo đảm dự thầu 45tr, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu là 120 ngày, thời điểm đóng thầu là ngày 15/01/2025. Khi dự thầu, nhà thầu có đính kèm thư bảo lãnh dự thầu giá trị 45tr, hiệu lực 120 ngày kể từ ngày 15/01/2025 thì đến khi được mời đối chiếu tài liệu, nhà thầu có cần tu chỉnh hiệu lực thư bảo lãnh dự thầu theo số ngày được quy định trong thông báo mời đối chiếu tài liệu, và hiệu lực thư bảo lãnh dự thầu có được tính từ ngày thực hiện đối chiếu tài liệu hay không?
Chuyên gia DauThau.info trả lời: Hiệu lực đảm bảo dự thầu phải đủ 120 ngày kể từ ngày 15/01/2025, trường hợp đến số ngày đó mà hết hiệu lực bảo lãnh thì bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu gia hạn bảo lãnh dự thầu.
Tình huống 3
Câu hỏi: Trường hợp bảo đảm dự thầu kê khai đảm bảo theo hồ sơ mời thầu nhưng bản scan bị thiếu thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Đối với nội dung này bên mời thầu có được yêu cầu nhà thầu làm rõ không ạ?
Chuyên gia DauThau.info trả lời: Đối với trường hợp này đảm bảo dự thầu bị đánh giá là không hợp lệ, nhà thầu không được làm rõ, bổ sung.
Tham khảo thêm các bài viết liên quan đến bảo đảm dự thầu Phần 1 và Phần 2
Bài viết trên của DauThau.info đã giúp quý doanh nghiệp trả lời thắc mắc “Thời gian hiệu lực của bảo đảm dự thầu là bao lâu?”. Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:
Tác giả: Hồ Thị Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn