TOP 5 thắc mắc thường gặp về Bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu

Chủ nhật, 28 Tháng Một 2024 2:00 CH
Bảo đảm thực hiện hợp đồng được xem là nội dung quan trọng và được nhiều nhà thầu quan tâm trong quá trình thực hiện hợp đồng. Dưới đây, DauThau.info sẽ chia sẻ đến bạn một số thắc mắc thường gặp về bảo đảm thực hiện hợp đồng mà nhà thầu đã gửi đến nhờ DauThau.info giải đáp. Mời các bạn cùng tham khảo!
TOP 5 thắc mắc thường gặp về Bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu
TOP 5 thắc mắc thường gặp về Bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu

CLICK HERE to view in English

Mới đây, DauThau.info đã có những chia sẻ về Bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 và nhận được rất nhiều câu hỏi từ nhà thầu về các vấn đề xoay quanh bảo đảm thực hiện hợp đồng. Dưới đây là một số thắc mắc tiêu biểu mà DauThau.info nhận được và muốn chia sẻ đến bạn, cùng tham khảo nhé!

Bảo đảm thực hiện hợp đồng
5 thắc mắc về bảo đảm thực hiện hợp đồng

1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng tiền mặt có hợp lệ?

DauThau.info giải đáp: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 thì bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện theo các biện pháp sau đây:

a) Đặt cọc;
b) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam; 
c) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Tùy theo yêu cầu của Chủ đầu tư mà nhà thầu sẽ thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng phù hợp. Nếu cho phép bảo đảm thực hiện hợp đồng đặt cọc bằng tiền mặt thì trường hợp này là hợp lệ. Nếu không cho phép bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng tiền mặt thì nhà thầu phải thực hiện theo hình thức khác như thư bảo lãnh do Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng phát hành hoặc theo hình thức đặt cọc bằng Séc.
 

2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng có cần nộp bản chính cho chủ đầu tư?

DauThau.info giải đáp: Thông thường trong các mẫu HSMT sẽ quy định nội dung này, ví dụ theo quy định tại Mục số 5.1 Chương VI - Điều kiện cụ thể của hợp đồng, thuộc Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp qua mạng ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/05/2022 của Bộ KH&ĐT thì: 

5.1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp lên Chủ đầu tư không muộn hơn ngày quy định tại Thư chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện bằng cách nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam và là bảo đảm không có điều kiện (trả tiền khi có yêu cầu), theo Mẫu số 14 Chương VIII. Bảo đảm thực hiện hợp đồng có giá trị và hiệu lực quy định tại E-ĐKCT.

Như vậy, bảo đảm thực hiện hợp đồng cần phải nộp lên cho chủ đầu tư không muộn hơn ngày quy định tại Thư chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng. Thông thường, bảo đảm thực hiện hợp đồng phải nộp bản gốc vì đây chính là “tài sản cầm cố” để đề phòng trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng không thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ tịch thu khoản tiền này.
 

3. Chỉ định thầu rút gọn có cần bảo đảm thực hiện hợp đồng?

DauThau.info giải đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 thì bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng với tất cả các nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp sau đây:

a) Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
b) Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện hoặc hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng;
c) Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật này.
Điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
m) Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng. 

Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức quy định tại điểm này để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Như vậy, trừ các trường hợp nêu ra ở khoản 2 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023, thì tất cả các gói thầu đều cần có bảo đảm thực hiện hợp đồng. Với chỉ định thầu/ chỉ định thầu rút gọn, nếu không thuộc một trong các gói thầu theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 thì vẫn bắt buộc phải có bảo đảm thực hiện hợp đồng. 

Bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu
Bảo đảm thực hiện hợp đồng (Hình minh họa)

4. Bảo đảm thực hiện hợp đồng nộp không đúng thời hạn, bị xử lý thế nào? 

DauThau.info giải đáp: Theo quy định tại Mục số 35 Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu, thuộc Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp qua mạng ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/05/2022 của Bộ KH&ĐT thì: 

Trường hợp nhà thầu trúng thầu không hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng thì nhà thầu sẽ bị loại và không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại điểm b Mục 18.5 E-CDNT. Thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận E-HSDT được tính kể từ ngày bên mời thầu gửi thông báo chấp thuận này cho nhà thầu trúng thầu trên Hệ thống.

Như vậy, nếu bảo đảm thực hiện hợp đồng nộp không đúng thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận E-HSDT thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại và không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu.
 

5. Khoản thu từ bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả sẽ được sử dụng như thế nào? 

DauThau.info giải đáp: Khoản thu từ bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả sẽ được sử dụng theo quy định tại Điều 36 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT như sau:

1. Đối với các dự án, gói thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khoản thu này được nộp vào Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Đối với các dự án, gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khoản thu này được sử dụng theo quy chế tài chính của chủ đầu tư.
3. Trường hợp bên mời thầu là đơn vị tư vấn được thuê thì khoản thu này phải nộp lại cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư sử dụng khoản thu này theo quy định tương ứng tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Trên đây là những chia sẻ của DauThau.info về TOP 5 thắc mắc thường gặp về Bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu, nhà thầu có thể tham khảo. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về nội dung đấu thầu khác hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, nhà thầu có thể liên hệ với DauThau.info qua thông tin sau để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.

Thông tin liên hệ: 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

MBBANK Banner giua trang
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây