05 thắc mắc thường gặp về xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu

Thứ bảy, 10 Tháng Tám 2024 2:41 CH
“Xuất xứ hàng hóa” luôn là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi tham gia đấu thầu. Bài viết dưới đây, DauThau.info sẽ chia sẻ 05 thắc mắc thường gặp nhất về xuất xứ hàng hóa để bạn tham khảo, cùng theo dõi nhé!
05 thắc mắc thường gặp về xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu
05 thắc mắc thường gặp về xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu

1. Khi lập hồ sơ mời thầu, có được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 9 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, khi lập hồ sơ mời thầu, cần tuân thủ quy định về xuất xứ hàng hóa như sau:

9. Quy định về nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa:
 
a) Trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10 (*), khoản 2 Điều 44 (**) và khoản 1 Điều 56 (***) của Luật Đấu thầu 2023, hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.
Và theo quy định tại Mục số 4.6 Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu, thuộc Mẫu số 4A ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT thì:
4.6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:
Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong E-HSMT, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu 2023
(*) Điểm e khoản 3 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
e) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hoá xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này.
(**) Khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
2. Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
(***) Khoản 1 Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
​​​​​​​1. Việc ưu đãi trong mua thuốc thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Luật này và quy định sau đây:
 
a) Đối với thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất đáp ứng về tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào thuốc xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này;
 
b) Đối với thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.
Như vậy, theo quy định nêu trên, khi lập hồ sơ mời thầu, không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa trừ một số trường hợp có chú thích nêu trên.

2. Hàng hóa xuất xứ Việt Nam có bị loại khi hồ sơ mời thầu có quy định về xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ nhưng không có xuất xứ Việt Nam?

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 9 Nghị định 24/2024/NĐ-CP thì:

​​​​​​​b) Đối với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Đấu thầu 2023 (trích dẫn ở nội dung (**) bên trên), trường hợp hồ sơ mời thầu có quy định về xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ mà không bao gồm xuất xứ Việt Nam thì hàng hóa xuất xứ việt Nam vẫn được xem xét, đánh giá.
xuất xứ hàng hóa
Xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu (Hình minh họa)

Như vậy, trường hợp nếu hồ sơ mời thầu có quy định về xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ nhưng không có xuất xứ Việt Nam thì hàng hóa xuất xứ Việt Nam khi tham dự thầu sẽ không bị loại mà vẫn được xem xét, đánh giá.

3. Khi lập hồ sơ yêu cầu với chỉ định thầu thông thường, xuất xứ hàng hóa được quy định như thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, đối với chỉ định thầu thông thường (áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu), có yêu cầu về xuất xứ như sau:

​​​​​​​a) Lập hồ sơ yêu cầu:
 
Nội dung hồ sơ yêu cầu bao gồm: thông tin tóm tắt về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá chỉ định thầu; điều kiện về hợp đồng.
 
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật. Hồ sơ yêu cầu được nêu rõ ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, các yêu cầu về kỹ thuật, dịch vụ có liên quan (nếu có);
Như vậy, với chỉ định thầu thông thường, trong hồ sơ yêu cầu được phép nêu rõ ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

4. Chào giá trực tuyến rút gọn có được yêu cầu cụ thể về xuất xứ trong thông báo mời thầu?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, quy định về xuất xứ trong chào giá trực tuyến rút gọn như sau:

​​​​​​​1. Chuẩn bị thông báo mời thầu trên cơ sở kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt:
 
Thông báo mời thầu bao gồm các thông tin sau đây:
 
a) Yêu cầu cụ thể về xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn hiệu, hãng sản xuất, thông số kỹ thuật của hàng hóa, thời gian giao hàng, bảo hành và các nội dung cần thiết khác (nếu có) đối với gói thầu mua sắm hàng hóa; phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành dịch vụ và các nội dung cần thiết khác (nếu có) đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn;
Như vậy, với chào giá trực tuyến rút gọn, trong thông báo mời thầu được phép yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa.

5. Có được đề nghị thay đổi hàng hóa có phiên bản sản xuất, năm sản xuất mới hơn so với hàng hóa ghi trong hợp đồng không?

Căn cứ tại khoản 27 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP thì:

​​​​​​​Trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp nhà thầu có đề nghị thay đổi các hàng hóa có phiên bản sản xuất, năm sản xuất mới hơn so với hàng hóa ghi trong hợp đồng thì căn cứ nhu cầu sử dụng, chủ đầu tư được chấp thuận đề xuất của nhà thầu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
 
1. Được nhà thầu thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư.
 
2. Hàng hóa thay thế và hàng hóa ghi trong hợp đồng thuộc cùng hãng sản xuất và có cùng xuất xứ.
 
3. Hàng hóa thay thế có tính năng kỹ thuật, cấu hình, thông số và các yêu cầu kỹ thuật khác tương đương hoặc tốt hơn hàng hóa ghi trong hợp đồng.
 
4. Phù hợp với nhu cầu sử dụng.
 
5. Đơn giá của hàng hóa không vượt đơn giá ghi trong hợp đồng.
Như vậy, trường hợp hàng hóa có phiên bản sản xuất, năm sản xuất mới hơn so với hàng hóa ghi trong hợp đồng thì nhà thầu được phép đề nghị thay đổi. Chủ đầu tư dựa vào các điều kiện nêu trên để xem xét và chấp thuận đề xuất của nhà thầu.

Trên đây là chia sẻ của DauThau.info về 05 thắc mắc thường gặp về xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu. Mong rằng nội dung này sẽ hữu ích với bạn trong quá trình tìm hiểu. Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:
 Tags: đấu thầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

AI Tư Vấn Đấu Thầu
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây