6 chiêu trò lách luật trong đấu thầu

Thứ tư, 08 Tháng M. một 2023 2:18 CH
Từ xưa đến nay, dù bất cứ lĩnh vực nào của xã hội luôn tồn tại những chiêu trò để lách luật nhằm trục lợi, đấu thầu cũng là lĩnh vực mà nhiều chiêu trò lách luật trong đấu thầu được thực hiện ngày càng tinh vi. Cùng DauThau.info phân tích bài viết sau nhé!
Hình ảnh minh họa bài viết
Hình ảnh minh họa bài viết

CLICK HERE to view in English

Luật Đấu thầu 2013 hay Luật Đấu thầu năm 2023 tới đây có hiệu lực là bộ Luật được xây dựng với tính chất kỹ thuật lẫn pháp lý tương đối chặt chẽ, hay đúng hơn là một bộ Luật khó để lách. Nhưng không phải vì thế mà nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu hay nhà thầu không tìm mọi cách để "lách luật" nhằm tạo ra lợi thế riêng để trục lợi. 

6 chiêu trò trục lợi phổ biến

Thứ nhất, chia nhỏ để chỉ định thầu. Đây là cách mà nhiều đơn vị đang làm mặc dù biết có quy định đây là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu "l) Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu." (khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023). Chỉ định thầu là một công cụ hữu ích trong một số trường hợp, nhưng không phải tất cả, ngay trong chính nội dung chỉ định thầu Luật Đấu thầu cũng nêu rõ nếu áp dụng được hình thức khác thì ưu tiên áp dụng:

6. Trường hợp gói thầu quy định tại khoản 1 Điều này đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 3 Điều này nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 21, 22, 24 và 25 của Luật này thì khuyến khích người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức khác để lựa chọn nhà thầu.

Thứ hai, cài cắm các điều khoản trong hồ sơ mời thầu nhằm "cài người quen, chèn người lạ". Đây là hình thức khá phổ biến được áp dụng với những chủ đầu tư, bên mời thầu bất chấp, chưa hiểu biết. Bởi lẽ khi xây dựng hồ sơ mời thầu, một trong những tôn chỉ mà các bên phải tuân theo đó là "Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng". Việc cài cắm này đang biến cuộc đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế, thậm chí đấu thầu nhưng như chỉ định thầu do bài thầu đã dọn sẵn cho 1 nhà thầu thân quen nào đó từ trước.

Thứ ba, đó là loại hình thông thầu. Đây cũng là hình thức tương đối phổ biến thực hiện thông qua các cách thức như quân xanh, quân đỏ. Dàn xếp để quân đỏ có thể trúng thầu, quân xanh dù có năng lực, nhưng cố tình "dấu nhẹm đi" hoặc để giá cao làm gạch lót đường cho quân đỏ thắng thầu. Rất nhiều doanh nghiệp mới chia sẻ với DauThau.info rằng nhà thầu nghĩ đấu thầu chỉ là hình thức, còn các gói thầu đã được xắp xếp từ trước cả rồi, nên có vào cũng chẳng làm gì, chỉ gây thêm sự tức tối cho chủ đầu tư, thậm chí ấn tượng không tốt nhỡ sau này có muốn quan hệ cũng khó.

Thứ tư, đó là hình thức mang tính chất đồng bộ, có tổ chức ngay từ khi dự án/dự toán chưa được phê duyệt các bên đã móc ngoặc với nhau nhằm xây dựng giá dự toán cao chót vót sau đó sử dụng tiếp hình thức thông thầu để nhà thầu sắp xếp ban đầu được trúng thầu. Hình thức này gần đây rất nhiều vụ án hình sự đã xử lý và bóc mẽ ra sự thật cay đắng đứng sau các gói thầu lớn, đặc biệt các gói thầu trong ngành y tế.

Thứ năm, đó là tiêu cực trong đấu thầu, đây không dừng lại ở mức "tham nhũng vặt" trong đấu thầu mà nó đã thành hệ thống, thành tiền lệ. Hầu như nhà thầu nào nói chuyện với đấu thầu cũng đều xác định, dù có đấu thầu công khai xác định phải cạnh tranh bằng giá thì cũng phải có tính toán đến một khoản "bôi trơn" nhất định để sau này nếu có trúng thầu thực hiện hợp đồng còn "lại quả" cho chủ đầu tư. Đây là việc mà các nhà thầu trăn trở nhất và cũng là bản chất làm các cuộc đấu thầu méo mó đi ít nhiều.

Thứ sáu, hình thức này gần đây rất hay gặp đó là hủy thầu khi không chọn được đúng nhà thầu đã nhắm trước, cách thức hủy thầu vô tội vạ này được biến tướng dưới một trong những hình thức mà Luật Đấu thầu cho phép hủy thầu, thường là điều chỉnh một chút phạm vi công việc nào đó trong hồ sơ mời thầu. Nhiều chủ đầu tư cho gói thầu rơi vào im lặng sau khi mở thầu ra thấy có các nhà thầu lạ tham dự với giá dự thầu rất cạnh tranh, sau đó tiến hành hủy thầu rồi chọn một thời điểm phù hợp đấu thầu lại. Nhiều nhà thầu chán nản bỏ ý định không theo đuổi hoặc bỏ nhỡ thông tin khi các gói thầu này đấu thầu lại.


Những hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu 2023

Nhân bài viết hôm nay, DauThau.info xin điểm lại một số hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu 2023 để các bên lưu ý khi thực hiện mời thầu trên Hệ thống đấu thầu quốc gia:

Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ. 
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
3. Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:
a) Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;
b) Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;
c) Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.
4. Gian lận bao gồm các hành vi sau đây:
a) Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; 
b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
5. Cản trở bao gồm các hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; 
b) Cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; 
c) Cản trở cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động đấu thầu;
d) Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng. 
6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:
a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư không đúng quy định của Luật này;
b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;
c) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;
d) Cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người có thẩm quyền, người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Doanh nghiệp đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;
đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn do nhà thầu đó cung cấp dịch vụ tư vấn: lập, thẩm tra, thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED); lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; kiểm định hàng hóa; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; giám sát thực hiện hợp đồng;
e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;
g) Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do nhà thầu đó giám sát;
h) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật này;
k) Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 của Luật này;
l) Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. 
7. Tiết lộ những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định tại điểm b khoản 8 và điểm g khoản 9 Điều 77, khoản 11 Điều 78, điểm h khoản 1 Điều 79, khoản 4 Điều 80, khoản 4 Điều 81, khoản 2 Điều 82, điểm b khoản 4 Điều 93 của Luật này, bao gồm:
a) Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;
b) Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; tài liệu ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi được công khai theo quy định;
c) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;
d) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được xác định chứa nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
8. Chuyển nhượng thầu trong trường hợp sau: 
a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng; 
b) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận;
c) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc quy định tại điểm a khoản này;
d) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc quy định tại điểm b khoản này mà vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.
9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa xác định được nguồn vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này.

Hành vie câm trong đấu thầu
Hành vie câm trong đấu thầu
Một số hành vi bị cấm được chỉ rõ trong Thông tư số 08/2023/TT-BKHĐT:

1. Đối với tất cả các gói thầu:
a) Quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu;
b) Quy định nhà thầu phải có xác nhận tham gia hội nghị tiền đấu thầu hoặc yêu cầu chứng minh việc đã tham gia hội nghị tiền đấu thầu;
c) Quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu;
d) Quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện trên một địa bàn cụ thể hoặc là công trình tương tự của một đơn vị cụ thể hoặc phải ký với cơ quan nhà nước;
đ) Quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu; yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu, thiết bị cần thiết cho gói thầu phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê; 
e) Quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác và các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định (Ví dụ: gói thầu chỉnh lý tài liệu yêu cầu nhân sự phải là lưu trữ viên hoặc lưu trữ viên chính, nghĩa là nhân sự phải là viên chức thì quy định này trong E-HSMT được coi là vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Phụ lục này, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa đưa thêm các quy định:
a) Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật đưa ra các yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu;
b) Yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản;
c) Yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử;
d) Yêu cầu về hàng hóa mẫu đối với gói thầu không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 27 của Thông tư này.
đ) Yêu cầu phải có giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật do nhà sản xuất ban hành và phải có dấu xác nhận của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối;
e) Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với phần công việc cung cấp hàng hóa;
g) Yêu cầu về giấy chứng nhận ISO đối với nhà thầu không phải là nhà sản xuất;
h) Yêu cầu về thiết bị chủ chốt để thực hiện gói thầu.
3. Ngoài các quy định tại khoản 1 Phụ lục này, đối với gói thầu xây lắp đưa thêm các quy định:
a) Yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường;
b) Yêu cầu nhà thầu khi tham dự thầu phải có cam kết hoặc ký hợp đồng nguyên tắc về bãi đổ thải cụ thể, cự ly đổ thải cụ thể, các mỏ vật liệu cụ thể, yêu cầu về cự ly trạm trộn bê tông... trong giới hạn một vùng hoặc một cự ly cụ thể mà chỉ có một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng;
c) Yêu cầu nhà thầu phải nêu cụ thể vị trí, tuyến đường, địa phương mà xe vận chuyển vật tư, vật liệu cho công trình đi qua trong E-HSDT;
d) Đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có tiền mặt hoặc phải có khoản tiết kiệm ở các tổ chức tài chính hoặc phải có số dư tài khoản hoặc các yêu cầu tương tự về nguồn lực tài chính;
đ) Yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông;
e) E-HSMT phát hành trên Hệ thống thiếu bản vẽ hoặc bản vẽ không đầy đủ, không đủ cơ sở để lập E-HSDT;
g) Nêu tên nhà thầu phụ đặc biệt bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng.

Hiện nay Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đã hết hiệu lực, tuy nhiên những nội dung trên của thông tư vẫn được kế thừa tại Thông tư 22/2024//TT-BKHĐT (có hiệu lực từ 01/01/2025).

Bài viết trên đây của DauThau.info nêu ra 6 chiêu trò lách luật trong đấu thầu mà các bên hay sử dụng. Trong trường hợp có các nội dung cần hỏi đáp, hãy liên hệ với DauThau.info qua các kênh:

Tác giả: Son Vu

Bài viết này của DauThau.info được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở Creative Commons CC-BY (cho phép sử dụng toàn quyền nhưng phải ghi công tác giả, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ ban đầu) trừ trường hợp được cấp phép riêng sẽ được ghi rõ trong tài liệu. Sử dụng lại các nguồn từ DauThau.info cần ghi rõ bản quyền!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

MBBANK Banner giua trang
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây