Dự toán mua sắm là gì? Khi nào gói thầu thuộc dự toán mua sắm được phép chỉ định thầu?

Thứ ba, 11 Tháng Hai 2025 8:43 SA
Trong hoạt động đấu thầu, việc lập dự toán mua sắm là vô cùng quan trọng để đảm bảo quá trình mua sắm diễn ra hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Vậy dự toán mua sắm là gì? Khi nào gói thầu thuộc dự toán mua sắm được phép chỉ định thầu? Bài viết dưới đây DauThau.info sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích về vấn đề này!
Dự toán mua sắm là gì? Khi nào gói thầu thuộc dự toán mua sắm được phép chỉ định thầu?
Dự toán mua sắm là gì? Khi nào gói thầu thuộc dự toán mua sắm được phép chỉ định thầu?

Dự toán mua sắm là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, dự toán mua sắm trong hoạt động đấu thầu được hiểu là:

7. Dự toán mua sắm là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác; dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy có thể nói dự toán mua sắm là một khoản chi trong kế hoạch của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cho 1 hoạt động hàng năm của đơn vị mà không hình thành dự án đầu tư.

Khi nào gói thầu thuộc dự toán mua sắm được phép chỉ định thầu?

Căn cứ tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023, gói thầu thuộc dự toán mua sắm được phép chỉ định thầu khi giá gói thầu nằm trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. 

1. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
...
m) Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng;
Tuy nhiên, theo điểm c khoản 7 Điều 1 Luật số 57/2024/QH15 (sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu 2023), hạn mức để gói thầu thuộc dự toán mua sắm được áp dụng chỉ định thầu là không quá 300 triệu đồng.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 23 như sau:
 
c) Sửa đổi, bổ sung điểm m khoản 1 như sau:
 
“m) Gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án có giá gói thầu không quá 300 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; gói thầu lập nhiệm vụ quy hoạch có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng.”;
dự toán mua sắm
Dự toán mua sắm (Hình minh họa)

Đối với dự toán mua sắm, chủ đầu tư phải nêu những nội dung nào trong văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 16 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm, chủ đầu tư phải nêu các nội dung sau trong văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

​​​​​​​a) Dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo niên độ ngân sách hoặc dự kiến dự toán ngân sách được cấp đối với trường hợp mua sắm cho năm tiếp theo hoặc mua sắm cho nhiều năm; dự kiến nguồn tài chính hợp pháp trong năm tài chính hoặc dự kiến nguồn tài chính hợp pháp cho các năm kế tiếp đối với trường hợp mua sắm cho năm tiếp theo hoặc mua sắm cho nhiều năm;

b) Giá trị phần công việc mua sắm đã thực hiện trong năm tài chính, năm ngân sách;

c) Phần kinh phí không dùng để mua sắm;

d) Dự toán mua sắm, được xác định bằng kinh phí quy định tại điểm a khoản này trừ kinh phí quy định tại điểm b và điểm c khoản này. Chủ đầu tư không phải thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm.

Trường hợp chủ đầu tư có sẵn kinh phí để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính và không dùng nguồn thu dự kiến trong năm thì không phải xác định dự toán mua sắm theo quy định tại khoản này. Trong trường hợp này, dự toán mua sắm là khoản kinh phí có sẵn dùng để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính.

Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm hoặc ngày hợp đồng có hiệu lực và ngày hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng không cùng một năm tài chính thì nêu rõ dự toán mua sắm của năm ngân sách, năm tài chính và dự kiến dự toán mua sắm của các năm tiếp theo. 

Người có thẩm quyền, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm. Việc thanh toán theo từng năm được thực hiện sau khi dự toán chi trong năm được phê duyệt.

03 thắc mắc thường gặp về dự toán mua sắm

Trong quá trình chăm sóc khách hàng trên hệ thống Support Center, DauThau.info đã nhận được một số thắc mắc của khách hàng về dự toán mua sắm, dưới đây là 03 thắc mắc thường gặp và giải đáp chi tiết để bạn tham khảo!

1. Cơ sở để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Đấu thầu 2023, cơ sở để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm như sau:

Điều 37. Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
 
1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. 
 
Đối với dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo. 
 
Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

2. Chia nhỏ dự toán mua sắm thành các gói thầu có vi phạm pháp luật không?

Căn cứ quy định tại điểm l khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, việc chia nhỏ dự toán mua sắm thành các gói thầu là một hành vi vi phạm pháp luật.

​​​​​​​Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:
l) Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

3. Khi sửa đổi hợp đồng, giá hợp đồng sau khi điều chỉnh có được vượt quá tổng dự toán mua sắm?

Khi sửa đổi hợp đồng, giá hợp đồng sau khi điều chỉnh KHÔNG ĐƯỢC vượt quá tổng dự toán mua sắm, điều này đã được quy định rõ tại khoản 4 Điều 70 Luật Đấu thầu 2023 và đã được DauThau.info giải đáp chi tiết tại bài viết Giá hợp đồng sau khi điều chỉnh có được vượt quá tổng dự toán mua sắm không?

Trên đây là chia sẻ của DauThau.info về các quy định liên quan đến dự toán mua sắm trong hoạt động đấu thầu. Để tìm hiểu thêm các nội dung liên quan đến đấu thầu, bạn hãy theo dõi chuyên mục Tin tức của DauThau.info để cập nhật những bài viết hữu ích nhé!

Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video Huong dan su dung dauthau.info
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây