Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động đấu thầu

Thứ năm, 22 Tháng Năm 2025 8:57 SA
Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động đấu thầu như thế nào? Cùng xem ngay bài viết dưới đây của DauThau.info để có thêm thông tin nhé!
Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động đấu thầu
Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động đấu thầu

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010, khái niệm về đơn vị sự nghiệp công lập được giải thích như sau:

Điều 9. Đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.
Có thể hiểu đơn giản, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do Nhà nước hoặc tổ chức chính trị thành lập, có tư cách pháp nhân và thực hiện việc cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ công tác quản lý nhà nước.
khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập
Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Đơn vị sự nghiệp công lập tiếng Anh là gì?

Đơn vị sự nghiệp công lập (hay còn gọi là Đơn vị sự nghiệp Nhà nước) trong tiếng Anh thường được dịch là "Public Service Unit" hoặc “Public Non-Business Unit”, tùy theo ngữ cảnh và cách sử dụng.

Tuy nhiên, bạn có thể phân biệt rõ như sau:

  • Public Service Unit: Thuật ngữ này phổ biến hơn và được sử dụng trong các văn bản chính thức của Việt Nam khi dịch sang tiếng Anh, đặc biệt trong các tài liệu liên quan đến quản lý hành chính, tài chính công, hoặc các quy định pháp luật. Nó nhấn mạnh tính chất cung cấp dịch vụ công của đơn vị.
  • Public Non-Business Unit: Thuật ngữ này cũng được sử dụng, nhưng ít phổ biến hơn. Nó thường xuất hiện trong các ngữ cảnh muốn nhấn mạnh rằng đơn vị này không hoạt động vì lợi nhuận (non-business) mà chủ yếu thực hiện các chức năng phục vụ cộng đồng, như giáo dục, y tế, văn hóa…

Ví dụ đoạn văn trong tiếng Anh sử dụng 2 cụm từ này:

  • This tender for laboratory equipment invites bids to supply Public Non-Business Units, such as medical research institutes, ensuring compliance with Vietnam’s Bidding Law and technical standards (Tạm dịch: Đấu thầu cung cấp thiết bị phòng thí nghiệm mời chào thầu để cung cấp cho các Đơn vị sự nghiệp công lập không kinh doanh, như các viện nghiên cứu y học, đảm bảo tuân thủ Luật Đấu thầu Việt Nam và tiêu chuẩn kỹ thuật).
  • The bidding process for school furniture targets Public Service Units, including public primary schools, to meet educational needs while adhering to public procurement regulations (Tạm dịch: Quy trình đấu thầu cung cấp nội thất trường học hướng đến các Đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm các trường tiểu học công lập, để đáp ứng nhu cầu giáo dục đồng thời tuân thủ các quy định về mua sắm công).

Quy định về đơn vị sự nghiệp công lập

Theo khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức 2010, quy định về đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).

Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập

Tại Việt Nam, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập rất đa dạng, hoạt động ở các cấp trung ương và địa phương, một số nhóm phổ biến như:

  • Ngành giáo dục: Các trường Đại học công lập, trường Cao đẳng...
  • Ngành Y tế: Bệnh viện công lập, Trung tâm y tế dự phòng, Viện nghiên cứu Y dược học...
  • Ngành văn hóa - thể thao: Nhà hát, bảo tàng, Trung tâm thể dục thể thao công lập...
  • Ngành khoa học - công nghệ: Viện nghiên cứu, Trung tâm kiểm định chất lượng, Phòng thí nghiệm xây dựng Las - XD...

Ví dụ về đơn vị sự nghiệp công lập

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam:

Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động đấu thầu

Đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ là đối tượng phục vụ công, mà còn là một chủ thể tham gia tích cực vào quá trình tổ chức và thực hiện đấu thầu. Tùy theo từng tình huống và tính chất của dự án/gói thầu, các đơn vị sự nghiệp công lập có thể đảm nhận những vai trò khác nhau như sau:

Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập
Vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động đấu thầu

1. Đơn vị sự nghiệp công lập là bên mời thầu

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm bên mời thầu trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Ví dụ điển hình là các bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu công lập... khi thực hiện dự án mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư giảng dạy, công trình xây dựng nhỏ... thì chính đơn vị đó sẽ là bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập là chủ đầu tư 

Một số đơn vị sự nghiệp công lập có đủ năng lực tài chính, được giao quản lý dự án hoặc trực tiếp là chủ đầu tư. Trường hợp này phổ biến với các trường đại học, bệnh viện hoặc trung tâm khoa học khi thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng, hoặc đầu tư trang thiết bị từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu sự nghiệp.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập là nhà thầu tham dự thầu

Trong một số trường hợp, đơn vị sự nghiệp công lập còn có thể tham gia đấu thầu như một nhà thầu, đặc biệt khi có sản phẩm/dịch vụ hoặc chuyên môn phù hợp với gói thầu. 

Khi nào nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách hợp lệ để tham dự thầu?

Tư cách hợp lệ của nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023 như sau:

- Đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
 
- Hạch toán tài chính độc lập;
 
- Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;
 
- Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
 
- Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
 
- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật này;
 
- Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
 
- Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
 
- Đối với nhà thầu nước ngoài, phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Đơn vị sự nghiệp công lập có được tự lựa chọn nhà thầu?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Đấu thầu 2023 thì:

​​​​​​​7. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp sau đây:
 
a) Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này; gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
 
b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;
 
c) Việc thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất;
 
d) Lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật này; lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu…
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
doanh nghiệp
Đơn vị sự nghiệp công lập (Hình minh họa)

Lời kết

Đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ giữ vai trò cung cấp dịch vụ công mà còn là chủ thể quan trọng trong hoạt động đấu thầu với nhiều vai trò đa dạng như bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc nhà thầu. Việc tham gia và tổ chức lựa chọn nhà thầu của các đơn vị sự nghiệp công lập cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong sử dụng nguồn lực công.

Trên đây là chia sẻ của DauThau.info về các nội dung liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập. Để tìm hiểu thêm các nội dung liên quan đến đấu thầu, bạn hãy theo dõi chuyên mục Tin tức của DauThau.info để cập nhật những bài viết hữu ích nhé!

Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:

 Tags: đấu thầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ra mắt gói X4
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây