Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu 2025 là bao nhiêu?

Thứ hai, 19 Tháng Năm 2025 7:00 SA
Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu là một trong những khoản cần thiết trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Vậy chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu bao nhiêu? Bài viết dưới đây của DauThau.info sẽ giúp bạn trả lời thắc mắc này, cùng tìm hiểu nhé!
Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu 2025 là bao nhiêu?

Đánh giá hồ sơ dự thầu là gì? Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu là gì?

Đánh giá hồ sơ dự thầu là quá trình xem xét, phân tích và so sánh các hồ sơ dự thầu do các nhà thầu nộp để lựa chọn ra nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Quá trình này bao gồm các bước chính:

  • Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu (về hình thức, nội dung, bảo đảm dự thầu,...).

  • Đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu (theo tiêu chí trong hồ sơ mời thầu).

  • Phân tích, chấm điểm kỹ thuật (đối với đấu thầu theo phương pháp kết hợp kỹ thuật và giá).

  • Đánh giá về tài chính, giá dự thầu và đề xuất giá trúng thầu.

  • Xếp hạng và lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu cao nhất theo phương pháp đánh giá đã xác định.

Việc đánh giá phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành, nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chọn đúng mẫu đánh giá hồ sơ dự thầu theo Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT để đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. 

chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu
Đánh giá hồ sơ dự thầu là quá trình xem xét, phân tích và so sánh hồ sơ dự thầu của các nhà thầu​​​​

Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu là khoản chi phí cần thiết để tổ chức việc đánh giá các hồ sơ dự thầu mà nhà thầu nộp trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Khoản chi này thường được tính trong tổng chi phí của kế hoạch lựa chọn nhà thầu và được sử dụng cho các hoạt động như:

  • Thuê tổ chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn để thực hiện đánh giá hồ sơ;

  • Chi phí hành chính, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ quá trình đánh giá;

  • Chi phí họp tổ chuyên gia, chi phí đi lại (nếu có) và các chi phí phát sinh hợp lý khác liên quan đến hoạt động đánh giá.

Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu phải nêu rõ những nội dung gì?

Theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP nội dung cần có trong báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm:

  • Kết quả đánh giá đối với từng hồ sơ dự thầu;

  • Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng nhà thầu;

  • Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại nhà thầu;

  • Tên nhà thầu được đề nghị trúng thầu, giá đề nghị trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện gói thầu và thời gian thực hiện hợp đồng;

  • Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;

  • Những nội dung của hồ sơ mời thầu không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu/ nội dung có thể dẫn đến cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (nếu có); đề xuất biện pháp xử lý;

  • Những nội dung cần lưu ý (nếu có).

chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu
Nội dung về báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu

Quy định đánh giá hồ sơ dự thầu dựa vào năng lực và kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính

Theo khoản 3 và 4 Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định đánh giá hồ sơ dự thầu dựa vào năng lực và kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính như sau:

Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

  • Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;

  • Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá về kỹ thuật.

Đánh giá về kỹ thuật và tài chính

  • Việc đánh giá về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;

  • Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét đánh giá về tài chính theo phương pháp giá thấp nhất hoặc giá đánh giá. Nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có) trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất (đối với phương pháp giá thấp nhất) hoặc có giá đánh giá thấp nhất (đối với phương pháp giá đánh giá) được xếp hạng thứ nhất. Thư giảm giá không được công khai trong biên bản mở thầu sẽ không được xem xét, đánh giá.

Trường hợp chỉ có một nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật thì không phải xác định danh sách xếp hạng nhà thầu. Chủ đầu tư không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu.

chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu
Quy định đánh giá hồ sơ dự thầu dựa vào năng lực và kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính

Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu theo Nghị định 24

Tại Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định về chi phí trong lựa chọn nhà thầu như sau:

“Điều 12. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu

....

4. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ:

a) Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;

b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;

c) Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng;

d) Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.

5. Chi phí đánh giá hồ sơ:

a) Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;

b) Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.”

Như vậy, chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu sẽ được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.

Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu theo Nghị định 24
Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu theo Nghị định 24

Lời kết

Tóm lại, chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu là một khoản mục quan trọng cần được tính toán hợp lý và đúng quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc nắm rõ chi phí này sẽ giúp bên mời thầu chủ động hơn về ngân sách đấu thầu cho doanh nghiệp.

Mong rằng những thông tin trên của DauThau.info sẽ giúp ích cho quý doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu. Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:

Tác giả: Hồ Thị Linh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ra mắt gói X4
Bạn đã không sử dụng site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây