Thông tin liên hệ
- 0904.634.288, 024.8888.4288
- [email protected]
- Facebook Fanpage: http://fb.com/dauthau.info
- Messenger: http://m.me/dauthau.info
Luật Đấu thầu 2023 ra đời có ban hành những quy định về việc thay đổi chi phí lựa chọn nhà thầu hay không? Những chia sẻ sau đây của DauThau.info sẽ giải đáp thắc mắc này.
Tại khoản 1 Điều 15 Luật Đấu thầu 2023 có quy định cụ thể về chi phí lựa chọn nhà thầu như sau:
Hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu trong nước, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển sẽ được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu quốc tế được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà thầu phải nộp tiền mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu.
Chủ đầu tư, bên mời thầu chịu chi phí khi đăng tải thông tin đấu thầu, chi phí liên quan đến tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Nhà thầu chịu chi phí liên quan đến chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, tham dự thầu, chi phí giải quyết kiến nghị (nếu có).
Chi phí lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Đấu thầu 2023
“Định mức chi phí lựa chọn nhà thầu bao nhiêu?” cũng là vấn đề thắc mắc của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Hiện tại, định mức chi phí lựa chọn nhà thầu không được đề cập đến trong Luật Đấu thầu 2023 mà được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:
Dựa vào quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư sẽ quyết định mức giá bán của một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu đối với đấu thầu trong nước là bao nhiêu, cụ thể:
Giá bán tối đa của hồ sơ mời thầu là 2.000.000 đồng.
Giá bán tối đa của hồ sơ yêu cầu là 1.000.000 đồng.
Đối với đấu thầu quốc tế mức giá được quy định theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển:
Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.
Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,03% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:
Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:
Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.
Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
So với Luật Đấu thầu 2013 quy định về chi phí lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023 không có sự thay đổi. Vậy cụ thể quy định chi phí lựa chọn nhà đầu tư như thế nào? Dưới đây là một số thông tin về chi phí lựa chọn nhà đầu tư doanh nghiệp có thể tham khảo, cụ thể:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Luật Đấu thầu 2023 có quy định về các chi phí lựa chọn nhà đầu tư như sau:
Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu trong nước được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;Hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu quốc tế được phát hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà đầu tư nộp tiền mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu
Bên mời thầu chịu chi phí đăng tải thông tin về lựa chọn nhà đầu tư và các chi phí liên quan đến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, tham dự thầu, chi phí giải quyết kiến nghị (nếu có).
Bên cạnh quy định về chi phí thì định mức chi phí về lựa chọn nhà đầu tư cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, định mức này không được đề cập trong Luật Đấu thầu 2023 mà được quy định tại Điều 7 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, quý doanh nghiệp có thể tham khảo, cụ thể:
Đối với đấu thầu trong nước, mức giá bán của một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không quá 20.000.000 đồng. Đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán của một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không quá 30.000.000 đồng.
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư:
Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,05% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 10.000.000 đồng và tối đa là 200.000.000 đồng;
Chi phí thẩm định đối với từng nội dung về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư được tính bằng 0,02% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 5.000.000 đồng và tối đa là 100.000.000 đồng;
Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,03% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 10.000.000 đồng và tối đa là 200.000.000 đồng.
Như vậy, so với Luật Đấu thầu 2013 chi phí lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023 không có sự thay đổi. Quý doanh nghiệp cần nắm rõ để hỗ trợ cho công tác đấu thầu của doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của DauThau.info về chi phí lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023. Mong rằng sẽ giúp quý doanh nghiệp nắm rõ hơn về các chi phí này trong quá trình tham dự thầu.
Trường hợp cần được hỗ trợ cung cấp các giải pháp phần mềm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu hoặc các tư vấn liên quan đến tình huống đấu thầu, vui lòng liên hệ:
Tác giả: Hồ Thị Linh